Nông dân thì tham gia dân quân. Công nhân thì được tổ chức thành những đơn vị tự vệ, vừa sản xuất và sẵn sàng chiến đấu. Ở những nhà máy, xí nghiệp nhỏ, thì khoảng 2 hay 3 tiểu đội, còn ở những nhà máy, xí nghiệp lớn có thể có tới 2 trung đoàn.
Nhiệm vụ của họ là phục vụ cho các trận địa phòng không, tiếp đạn, cứu thương và trực tiếp chiến đấu. Lực lượng tự vệ được hướng dẫn cách bắn máy bay địch trong những trường hợp chúng bay thấp, để tránh radar và tên lửa của ta. Những người làm công tác huấn luyện là những sỹ quan đương nhiệm, nhưng cũng có người là cựu chiến binh đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp.
Vũ khí của họ chỉ là những khẩu súng trường có từ thời chiến tranh thế giới thứ 2. Cách tác chiến của tự vệ là lập ra những tuyến phòng thủ kéo dài hàng cây số, dọc theo đường bay của máy bay Mỹ…
Ngoài những kỹ năng chiến đấu, họ còn được rèn luyện về tinh thần chiến đấu với những bài học giản dị, nhưng sâu sắc...
Lực lượng tự vệ đã góp phần tạo nên một lưới lửa phòng không, khiến cho các phi công Mỹ không thể rảnh tay để bắn trúng mục tiêu, hoặc bị dồn đến chỗ mai phục của những trận địa cao xạ và tên lửa của ta.
500 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi chỉ trong vòng vài năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại. Lực lượng dân quân tự vệ có thể không trực tiếp bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, nhưng họ lại là lực lượng bắt sống được nhiều phi công Mỹ. Bởi vì họ có mặt ở khắp mọi nơi. Có những phi công đã bị bắt bởi những người dân đang trên đường đi đến nhà họ hàng để chúc Tết.
Khi bị áp giải đến nơi giam giữ, trên đường đi, nhiều phi công Mỹ phải đối mặt với không khí sục sôi trên đường phố. Đó là sự bùng phát được dồn nén từ nhiều cảm xúc: nỗi đau mất mát người thân, nỗi uất ức trước những cuộc ném bom tàn ác, sự giận dữ vì một cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ đang tham gia và đặc biệt là tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân miền Bắc.