Tại các nước có nền kinh tế phát triển, đặc biệt là ở Châu Âu, châu Mỹ, châu Úc…, dân số già đi sẽ gia tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc cho người già và mô hình nhà dưỡng lão đã trở thành nơi bầu bạn cùng chia sẻ và được chăm sóc y tế tốt nhất.
Còn ở Việt Nam, do quan niệm truyền thống “Trẻ cậy cha, già cậy con” nên việc đưa những người già vào viện dưỡng lão bị coi là khá xa lạ. Tuy nhiên gần đây, nhiều mô hình nhà dưỡng lão, viện dưỡng lão ra đời nhưng vẫn còn những lúng túng trong cách thực hiện.
Trong bài viết sau, chúng ta cùng tìm hiểu về mô hình nhà dưỡng lão ở châu Âu. Không phải tất cả người già sống trong nhà dưỡng lão đều có khả năng chi trả, nhưng nhà dưỡng lão lại hoạt động tốt. Vì sao như vậy? Đó là câu hỏi mà nhóm phóng viên VTV đã tìm cách trả lời trong chuyến công tác tại Phần Lan gần đây.
Nhà dưỡng lão Riistavuori nằm ở ngoại ô Helsinki có rất nhiều khoản phải chi. Trong việc chăm sóc người cao tuổi với nhiều bệnh tật thì ngoài thuốc men còn phải có các thiết bị phục hồi chức năng, chi phí mua thiết bị tập, chi phí thuê nhân viên hướng dẫn các cụ tập luyện...
Cô Anna Salo - Huấn luyện viên phục hồi chức năng cho biết: “Những bài tập quan trọng nhất với người cao tuổi là luyện tập cơ chân và cách di chuyển. Ngoài luyện tập bằng máy, họ cũng phải tập dưới sàn để nếu có ngã, họ sẽ biết cách tự đứng lên được”.
May mắn là thuốc men - khoản nặng nhất, đã có bảo hiểm xã hội chi trả hết. Nhưng nhà dưỡng lão vẫn phải chi phí nhiều cho nhân viên y tế, hộ lý, y tá và bác sĩ. Đa số người cao tuổi đều bị bệnh gì đó, có người cùng lúc có nhiều bệnh và họ sẽ sống ở đây đến cuối đời.
Bà Maija - Liisa Ruoho nói: “Người ta khám và nói là tôi không thể sống một mình ở nhà. Vì tôi có rất nhiều bệnh, bị động kinh, tiểu đường, ung thư nữa. Vì thế tôi sống ở đây”.
Phần lớn người già sống tại đây đều phải trả tiền, nhưng số tiền phải trả không giống nhau mà tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Một yếu tố quan trọng nữa là thu nhập của con cái. Nếu con cái các cụ có thu nhập cao, số tiền phải đóng góp sẽ nhiều hơn.
Bà Kira Garfagnoli kể lại: “Mẹ tôi đã đi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác. Thế rồi người ta quyết định đưa bà ấy vào đây sống. Đó là một quyết định đúng, vì ở đây mọi thứ đều thuận tiện. Mẹ tôi sẽ sống ở đây nhiều năm”.
Nhiều người tại đây đã bán căn nhà tích cóp dành dụm nhiều năm mới mua được rồi dùng phần lớn khoản tiền đó đóng góp cho nhà dưỡng lão. Nhưng họ cũng không nhất thiết phải bán nhà bởi khi họ qua đời, tiền bán căn nhà và tài sản riêng của mỗi người sẽ được trích lại một phần chuyển cho nhà dưỡng lão, trước khi chia cho những người được hưởng thừa kế.
Theo bà Marie Riila - Phó Giám đốc nhà dưỡng lão Riistavuori, Phần Lan thì với đa số người ở đây, họ phải trả một khoản tiền tương đương 80% thu nhập hàng tháng từ lương hưu trí của mỗi người. Họ sẽ giữ lại 20% còn lại, trung bình khoảng 250 Euro mỗi tháng để mua quần áo, đồ dùng cá nhân hoặc những gì họ thích.
Chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội ở Phần Lan cao hơn nhiều so với các nước khác ở Tây Âu. Và trong nhà dưỡng lão này, tất cả mọi người đều được hưởng phúc lợi một cách bình đẳng, bất kể họ đóng góp nhiều hay ít. Với một số cụ không thể đóng góp chút nào, ngân sách thành phố sẽ bảo đảm toàn bộ chi phí cho họ trong nhà dưỡng lão.