Không chỉ tại Singapore, dân số già cũng đang là bài toán đau đầu đối với chính phủ nhiều quốc gia tại châu Á vì dân số già đồng nghĩa năng suất lao động sẽ giảm và quỹ lương hưu sẽ phình lên. Chính vì thế, chính phủ nhiều quốc gia đã tìm giải pháp tạo công ăn việc làm cho người cao tuổi.
Ông Sakai đã nghỉ hưu cách đây gần 14 năm. Ông từng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Tokyo và trải qua hơn phần nửa cuộc đời gắn bó với nghề kinh doanh rau quả. Do đó, sau khi nghỉ hưu, ông cùng với 4 người bạn của mình tìm thuê và lập trang trại Ushiku, tỉnh Ibaraki, cách trung tâm Tokyo khoảng 50km với mô hình như một công ty.
Tương tự, ông Hirasuka, dù đã 74 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đảm nhận công việc điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho học sinh tiểu học trong khung giờ đi và về học.
Tại nước láng giềng Hàn Quốc, người cao tuổi làm việc cũng đang là một xu hướng. Có hàng triệu người cao tuổi Hàn Quốc dù đã quá tuổi nghỉ hưu chính thức là 60 vẫn đi làm. Công việc mang lại cho họ niềm vui.
Thái Lan, quốc gia có lực lượng lao động sụt giảm ở mức cao nhất trong số các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, đã cho phép người lao động được làm việc khi đã quá tuổi nghỉ hưu. Quan điểm của chính phủ Thái Lan là khi những người cao tuổi có thu nhập, họ sẽ tiêu số tiền đó và sinh ra dòng tiền thúc đẩy nền kinh tế. Chủ trương này đã được nhiều người cao tuổi Thái Lan hoan nghênh. Làm việc khiến họ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi được đóng góp cho xã hội và tránh cảm giác cô đơn khi phải ở nhà.
Sau thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động trẻ dồi dào, Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số già. Đây là câu chuyện chúng ta cũng đang phải đối mặt, người già tại Việt Nam đang làm việc nhà nhiều hơn là những việc kiếm ra thu nhập tự nuôi sống bản thân. Thế nên, tạo ra một thị trường lao động cho người già sau nghỉ hưu sẽ là việc sớm phải làm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!