Cuộc chiến này đã bắt đầu từ lâu, nhưng hiện giờ đang vào giai đoạn căng thẳng. Bài toán lợi ích của người dân trong sự phát triển một lần nữa được đặt ra. Đây cũng chính là vấn đề mà Việt Nam phải giải quyết trong quá trình phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng… Sau đây là ghi nhận của các phóng viên VTV tại đảo Oahu, đảo đông dân cư nhất trong quần đảo Hawaii và cũng là cửa ngõ chính của quần đảo này.
Những tấm biển với dòng chữ “Không phát triển thêm nữa. Đủ rồi” hay “Hãy giữ nông thôn là nông thôn”
xuất hiện dày đặc trên các tuyến đường ven biển phía bắc đảo Oahu. Cộng đồng dân cư tại đây trưng những tấm biển lên để phản đối các dự án xây dựng nhà cao tầng, phát triển thêm các khu nghỉ dưỡng, mở rộng đường xá… bởi họ muốn giữ lại khung cảnh nông thôn gắn liền với các bãi biển hoang sơ ở khu vực này.
Chị Wai Kane, Người dân đảo Oahu, Hawaii, Mỹ bức xúc: “Người ta đến Hawaii để ngắm bãi biển, chứ không phải để ngắm các toà nhà. Nhà cao tầng thì nơi nào chả có. Muốn ngắm thì hãy đến New York. Đây là chỗ của bãi biển, của nông thôn, cây cối. Vậy thì tại sao phải thay đổi nó?”.
Điều kiện nhà ở của nhiều người phản đối đô thị hoá chưa phải là tốt. Nhưng họ vẫn không muốn phát triển thêm vì có phát triển họ cũng chẳng đủ điều kiện để hưởng lợi nhiều từ đó.
Bên cạnh đó, giá cả sinh hoạt ở Hawaii ngày càng đắt đỏ. Giá nhà cũng tăng cao do nhiều người từ khắp nơi trên thế giới tới đây mua nhà làm nơi nghỉ dưỡng. Trong khi đó, thu nhập của người địa phương lại không tăng tương xứng. Đây cũng là vấn đề nóng trong chiến dịch vận động tranh cử tại Hawaii.
Ông Feki Pouha, Ứng cử viên Nghị sỹ Hawaii, Mỹ cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều những người địa phương lớn lên ngay tại Hawaii này, nhưng vì mọi thứ ở đây ngày càng đắt đỏ, nên nhiều người không thể kiếm đủ để nuôi gia đình, buộc phải rời khỏi Hawaii”.
Giáo sư James có nhiều năm nghiên cứu về quy hoạch đô thị tại đại học Hawaii. Ông cho rằng, Hawaii vẫn cần phát triển để đáp ứng nhu cầu về nhà ở và du lịch nhưng chỉ nên tập trung hoàn thiện hơn những vùng đô thị đã có. Muốn giữ được khung cảnh hoang sơ hấp dẫn, giữ nông thôn là nông thôn thì phải làm cho thành thị thực sự là thành thị.
Giáo sư James H. Spencer, Chuyên gia kiến trúc - quy hoạch phân tích: “Khung cảnh quanh đây rất đẹp. Nếu làm tốt công tác quy hoạch, thành phố sẽ là lựa chọn hấp dẫn của người dân. Còn nếu không, dân cư sẽ tản đi nơi khác. Họ sẽ muốn có nhà riêng, có sân vườn, sẽ tìm tới sinh sống ở những khu thiên nhiên. Và nếu tình trạng đó diễn ra nhiều sẽ tàn phá khung cảnh hoang sơ và chẳng còn ai có thể được tận hưởng môi trường thiên nhiên đó nữa.
Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, người dân Oahu đã từng thành công trong việc phản đối đô thị hoá khu vực nông thôn. Và lần này vẫn chưa ngã ngũ vì họ cho rằng sự phát triển này ở Hawaii không chỉ cướp đi cảnh đẹp hoang sơ của hòn đảo này mà còn không mang lại lợi ích gì cho cư dân địa phương . Trong khi đó, người hưởng lợi lại là những người có tiền đến từ nơi khác.
Mời các bạn theo dõi lại toàn bộ nội dung trên qua video sau đây: