Liên hoan múa Rối nước toàn tỉnh Hải Dương 2013 là hoạt động chính thức đầu tiên của phần Hội trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, hưởng ứng năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng Sông Hồng năm 2013.
‘ Ảnh minh họa
Tham dự Liên hoan Rối nước Hải Dương 2013 có gần 50 tiết mục của các phường rối nước Thanh Hải - Thanh Hà, Hồng Phong - Ninh Giang và Lê Lợi - Gia Lộc. trong đó, nhiều tiết mục cổ, đặc sắc của các phường, phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt của người Việt như: Tuễ giáo đầu, rồng đốt lá đề và ngựa chiến trên giàn sóc, Chồng cày vợ cấy, Câu ếch, Quần nơm úp cá, Quay tơ dệt lụa, Song lân giỡn cầu...
Bên cạnh đó, các phường rối còn mang về những tiết mục gắn với truyền thuyết lịch sử như: Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên, Sự tích Hồ Gươm... cùng những tiết mục được sáng tạo trong thời kỳ mới như: Dâng ảnh Bác lên tòa sen tưởng niệm, Chọi trâu, Quê tôi đổi mới...
Liên hoan đã thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và văn hoá và các đoàn khách quốc tế đến từ nước CHDCND Lào và Hàn Quốc, cũng như sự hưởng ứng của du khách và đông đảo người dân địa phương.
Đây là lần đầu tiên, múa rối nước được đưa vào chương trình Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, làm phong phú cho sự kiện văn hóa lớn này của Hải Dương. Liên hoan là dịp để các nghệ nhân gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình hoạt động, đồng thời để các nhà quản lý nghiên cứu, từ đó có định hướng bảo tồn và phát triển, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đa dạng, phong phú của công chúng trong thời kỳ hội nhập. Điều quan trọng hơn, mỗi kỳ Liên hoan đều trở thành động lực thúc đẩy niềm đam mê sáng tạo của các nghệ nhân, để bộ môn nghệ thuật dân gian này có đời sống riêng trong sự phát triển chung của văn hoá nghệ thuật hiện nay.
Liên hoan Rối nước Hải Dương cũng được truyền thông Hàn Quốc ghi hình để phục vụ cho việc nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nhưng đang rất phát triển tại đất nước này, tương truyền được Nhà Lý - Việt Nam đã đưa loại hình nghệ thuật này sang Hàn Quốc.
Ông Kang Ho Jin, Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi yêu thích múa rối nước Việt Nam. Đoàn chúng tôi sang Việt Nam lần này nhằm mục đích tìm hiểu kỹ về bộ môn nghệ thuật đặc sắc này, xem nó xuất phát từ đâu, phát triển thế nào, vì Việt Nam là cội nguồn của múa rối nước... Chúng tôi sẽ dành thời gian đáng kể để thu thập dữ liệu, hình ảnh để sản xuất bộ phim tư liệu 3D về quảng bá múa rối nước ở Hàn Quốc và các nước châu Âu. Tuy nhiên, để đạt được mục đích, cần có sự ủng hộ của các bạn Việt Nam rất nhiều”.
Nhân dịp này, Rối nước Hải Dương đã đón nhận quyết định của Bộ VH-TT&DL, ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những điểm nhấn của Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, bên cạnh nhiều hoạt động văn hoá truyền thống đặc sắc khác của địa phương .