Tiếp tục chuyến công tác tại các địa phương kiểm tra việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV), ngày 15/2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã làm việc với ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang.
Đổi mới cần sự đồng hành của toàn xã hội
Tới thăm và kiểm tra việc triển khai Nghị quyết 88 tại Trường Tiểu học Phú An 1, huyện Cai Lậy và Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vui mừng khi được biết, việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trước hết đối với lớp 1 đã được các nhà trường tích cực thực hiện với tâm thế sẵn sàng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra việc triển khai Nghị quyết 88 tại Trường Tiểu học Phú An 1, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang
Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực… để triển khai chương trình mới đã được các nhà trường thực hiện trên tinh thần chủ động, sáng tạo, đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng. Được biết, hai trường tiểu học này đã thực hiện dạy học 2 buổi/ngày từ nhiều năm qua. Hiện nay, giáo viên dạy lớp 1 của các trường đang tổ chức đọc và đánh giá sách giáo khoa trước khi đưa ra quyết định lựa chọn.
Chia sẻ với Bộ trưởng, các giáo viên tham gia đọc và đánh giá sách cho biết, cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 do Bộ GDĐT phê duyệt đều hay và hấp dẫn, có sự khác biệt lớn so với sách giáo khoa hiện hành; các giáo viên sẽ dựa trên những đặc thù của địa phương, điều kiện giảng dạy và học tập của nhà trường để chọn một bộ sách phù hợp nhất.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị mỗi giáo viên dành thời gian để đọc thật kỹ từng bộ sách, đưa ra quyết định lựa chọn phù hợp, bởi đó sẽ là tư liệu quan trọng để sau này chính các thầy cô sử dụng trong quá trình thực hiện đổi mới; các cơ sở giáo dục phải tuyệt đối công khai, minh bạch và dân chủ trong quá trình lựa chọn.
Báo cáo tại buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Sở GDĐT Tiền Giang Nguyễn Hồng Oanh cho biết, triển khai Nghị quyết 88, ngành Giáo dục Tiền Giang đã tập trung rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở vật chất, trường lớp; thống kê, kiểm tra lại đội ngũ giáo viên; tiến hành tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.
Xác định để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới yếu tố con người là quan trọng nhất, những năm qua, ngành Giáo dục Tiền Giang đã quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Theo thống kê của Sở GDĐT Tiền Giang, 100% giáo viên tiểu học đạt chuẩn trở lên, trong đó tỷ lệ giáo viên trên chuẩn là 83,3%.
Bộ trưởng tham quan cơ sở vật chất tai Trưởng Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
Hiện toàn tỉnh Tiền Giang có 190/193 trường Tiểu học, Tiểu học - THCS dạy học 2 buổi/ngày với cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hướng tới đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày trước khi bước vào năm học mới.
Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Tiền Giang trong việc triển khai Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới sẽ tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, để đến khi bắt đầu triển khai đối với lớp 1, mọi điều kiện đã được đảm bảo.
Bộ trưởng cũng lưu ý ngành Giáo dục Tiền Giang tập trung cho công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng đáp ứng yêu cầu của lần đổi mới này là đổi mới về chương trình, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, hướng tới sự sáng tạo của giáo viên.
Cho rằng, để triển khai thành công Nghị quyết 88 cần sự phối hợp, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội, Bộ trưởng đề nghị, ngành Giáo dục Tiền Giang quan tâm hơn nữa tới công tác truyền thông để xã hội hiểu, đồng hành và chia sẻ với những việc đã, đang và sẽ làm của ngành. Trong đó, sự ủng hộ và yên tâm của phụ huynh sẽ là một trong những đảm bảo quan trọng cho triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.
Không để sau kỳ nghỉ dài học sinh ngại đến lớp
Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV) tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, do đó công tác phòng, chống rất quan trọng, phòng chống tốt sẽ giảm khả năng dịch bệnh lây lan.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV) tại cơ sở giáo dục của tỉnh Tiền Giang
Bộ trưởng cho biết, Bộ GDĐT đã lùi thời gian kết thúc năm học và gửi công văn đề nghị các địa phương tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2/2020. Trong thời gian tạm nghỉ, các nhà trường cần tiếp tục vệ sinh trường lớp và theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời.
Bộ trưởng đề nghị ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang và các nhà trường cần có kế hoạch huy động học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm nghỉ, không để tình trạng sau nghỉ dài ngày học sinh ngại đến lớp, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa vốn đã khó khăn trong việc huy động học sinh đến trường.
Được biết, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV), ngành Giáo dục Tiền Giang đã thực hiện truyền thông và tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên, học sinh công tác bảo hộ và phòng chống dịch. Trong thời gian học sinh tạm nghỉ học, các trường đã tổ chức vệ sinh trường lớp, chuẩn bị các điều kiện và phương án để đón học sinh trở lại lớp.
Thời gian tới, ngành Giáo dục Tiền Giang sẽ tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ GDĐT, Bộ Y tế, UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh; đồng thời phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh trong toàn ngành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!