Gian lận thi cử - Dấu ấn không mong muốn của ngành giáo dục năm 2018

PV-Thứ hai, ngày 31/12/2018 06:15 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù Bộ GD&ĐT được cho là rất quyết liệt tìm ra chân tướng cuối cùng của vụ việc, nhưng lòng tin vào thi cử bị tổn thương chính là hệ lụy lớn nhất trong sự việc này.

Trong lịch sử các kỳ thi, kể từ năm 1991 đến nay, ở Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã phát hiện vụ việc gian lận thi cử nghiêm trọng nhất. Trước đó, các vụ gian lận chỉ bị phát hiện ở 1 hội đồng thi đơn lẻ, chưa từng phát hiện vụ việc nào do các thành viên trong Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh bắt tay nhau thực hiện.

Điều này đồng nghĩa, sự gian lận có tính tổ chức, có quy mô, do những người giữ trọng trách quản lý thi của địa phương thực hiện. Chính vì điều này, nhiều người lo lắng, nếu địa phương cứ tiếp tục phụ trách kỳ thi, thì tính khách quan, công bằng có đảm bảo hay không? Gian lận đã xảy ra ở địa phương này thì có xảy ra ở địa phương khác không? Mặc dù Bộ GD&ĐT được đánh giá là rất quyết liệt tìm ra chân tướng cuối cùng của vụ việc, nhưng lòng tin vào thi cử bị tổn thương chính là hệ lụy lớn nhất trong sự việc này.

Những năm 2000, Bộ GD&ĐT đã xây dựng được phổ điểm thi tốt nghiệp và thi Đại học nhưng không bao giờ công bố công khai vì mức điểm trung bình cao thấp các môn rất nhạy cảm, dễ gây đánh giá về chất lượng đề thi, chất lượng học sinh.

Gian lận thi cử - Dấu ấn không mong muốn của ngành giáo dục năm 2018 - Ảnh 1.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của đổi mới thi cử và trước áp lực của báo chí, dư luận về việc phải công bố công khai phổ điểm các môn để làm căn cứ xét tuyển Đại học, từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã công khai phổ điểm này sau khi hoàn thành chấm thi THPT quốc gia. Năm 2018, nhờ một số báo chí tự tổng hợp phổ điểm các môn ở từng địa phương, những bất thường trong điểm thi của các địa phương này mới bị phát hiện ra.

Chính vì vậy, trong thông báo mới nhất, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, từ năm sau 2019 sẽ công khai phổ điểm các địa phương để xã hội giám sát. Lấy ví dụ này để thấy việc minh bạch hóa thông tin là xu hướng không thể đảo ngược trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển và nhu cầu tiếp cận sự thật của công chúng là rất lớn.

Tuy nhiên, đây cũng là xu hướng cần thiết để cơ chế giám sát và phản biện xã hội được thực hiện một cách hiệu quả, góp phần đắc lực cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo các cấp, giúp làm sáng tỏ những góc khuất, mang lại niềm tin cho người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật. Các sai phạm không sớm thì muộn, không cách này thì cách khác cũng sẽ bị phanh phui và xử lý đến cùng.

Năm 2018, nhiều thông tin ngày càng minh bạch hơn, nhận thức của cộng đồng cũng được nâng cao về nhiều mặt, bởi vậy, những vụ việc gây bức xúc về đạo đức xã hội đã liên tục bị đưa ra công luận như vụ việc cô giáo phạt học sinh 231 cái tát ở Quảng Bình, nhiều em nhỏ bị xâm hại tại trường học suốt thời gian dài, những người trẻ thiệt mạng do sử dụng ma túy trong một lễ hội âm nhạc… Những vụ việc đau lòng như vậy - dù được cho là rất cá biệt trong xã hội - nhưng cũng không khỏi khiến nhiều người lo lắng về những chuẩn mực xã hội phải chăng đang bị lung lay?

Cùng với hai nhà báo Thu Hà, Kim Hải, ông Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau sẽ tham gia bình luận và phân tích về vấn đề này trong chương trình Dấu ấn 2018.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước