Ảnh minh họa.
Điều đặc biệt là Năm học mới này, toàn ngành Giáo dục lấy đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, thi cử là nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trong cải cách giáo dục. Thông điệp đó đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết Năm học 2013-2014 và triển khai Năm học 2014-2015 ở tất cả các cấp học.
Phương pháp giảng dạy sẽ được thay đổi căn bản từ truyền đạt kiến thức theo kiểu truyền thống “thầy đọc- trò chép” sang đổi mới năng lực giảng dạy, sáng tạo của thầy cô giáo nhằm phát huy tinh thần học hỏi, tư duy sáng tạo và hiểu biết kiến thức một cách tổng hợp của học trò.
Việc thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh là tiền đề quan trọng để ngành Giáo dục hướng tới đổi mới kiểm tra, đánh giá và thay đổi thi cử. Trong năm học này, cả xã hội sẽ thấy có sự thay đổi căn bản nhất về phương thức kiểm tra, đánh giá từ cấp Tiểu học đến THPT. Đó là lần đầu tiên, các trường Tiểu học sẽ không chấm điểm học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Thay vì chấm điểm, giáo viên khuyến khích việc học tập và đánh giá của học sinh bằng hình thức nhận xét.
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, việc không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học sẽ giảm áp lực học thêm, dạy thêm cho trẻ học trước chương trình lớp 1, giảm áp lực điểm số với học sinh và phụ huynh.
Ngoài ra, trong hệ thống giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đang thực hiện cuộc đổi mới mạnh mẽ kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng Dự thảo 3 phương án đã được công bố. Theo đó, kỳ thi này sẽ được chuyển đổi từ việc học sinh học môn nào làm bài thi môn đó sang cách thức làm bài tích hợp (gồm nhiều môn học trong 1 bài thi). Kết quả của kỳ thi này sẽ được các trường đại học, cao đẳng lấy làm căn cứ để thực hiện công tác tuyển sinh.
Sự đổi mới phải gắn với thay đổi tư duy giáo dục
Chưa thể khẳng định được việc tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chung có khắc phục được “bệnh” thành tích và giám bớt tốn kém cho xã hội hay không nhưng xem ra, ngành Giáo dục đang rất quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục với mục tiêu đưa nền giáo dục nước nhà ngày càng tiến bộ và phát triển hơn.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên không chỉ là thách thức lớn đối với ngành Giáo dục, các cơ sở đào tạo mà còn là sự khó khăn đối với từng thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh.
Việc xóa bỏ tình trạng học hành và thi cử theo kiểu phải “chạy” theo bằng cấp sẽ phụ thuộc rất lớn vào đổi mới tư duy của từng người dân. Vì thế, việc học của con em chúng ta từ bây giờ không phải là “chạy” theo tấm bằng Đại học hay học vị, học hàm nào đó mà học tập một cách thực chất để sống có ích và lao động đúng với năng lực của mình nhằm phục vụ xã hội tốt hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã từng phát biểu, mỗi sự thay đổi về giáo dục đều tác động rất lớn đến từng gia đình nên toàn ngành cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để dư luận xã hội không hoang mang, lo lắng; để từng phụ huynh và học sinh không bị áp lực. Đổi mới như thế nào thì cũng phải đảm bảo quyền lợi của người học.
Hy vọng rằng, với việc chuẩn bị chu đáo của toàn ngành và sự chung tay góp sức của xã hội, nền Giáo dục nước nhà sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ trong sứ mệnh đào tạo ra những chủ nhân tương lai của đất nước với đầy đủ bản lĩnh và trí tuệ vững vàng.