Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã báo cáo kết quả đợt 1 thi tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 cả nước đạt 98,34%, tăng gần 4% so với năm 2019.
Đây cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng việc đối sánh điểm trung bình của điểm thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh. Từ kết quả đối sánh lần này cho thấy điểm học bạ của tất cả tỉnh, thành đều cao hơn điểm thi. Trước kết quả này, nhiều chuyên gia giáo dục đang đặt ra vấn đề, có nên bỏ điểm học bạ khi xét tốt nghiệp hay không?
Theo quy định hiện nay của Bộ GD&ĐT, để xét tốt nghiệp cần 2 điều kiện gồm 70% từ kết quả thi tốt nghiệp THPT và 30% từ kết quả học bạ lớp 12. Tuy nhiên, với mức độ đề như năm nay và đặc biệt nếu kỳ thi chỉ còn một mục đích là xét tốt nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc không cần sử dụng kết quả học bạ để tính điểm tốt nghiệp cho học sinh.
Các chuyên gia cho biết, năm 2014, điểm trung bình lớp 12 được đưa vào công thức tính điểm xét tốt nghiệp với trọng số 50% (chưa tính điểm khuyến khích). Tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước lúc đó vượt 99,09%, trong đó, nhiều tỉnh, thành thậm chí ó tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Đến nay, điểm xét tuyển học bạ là 30% nhưng một số chuyên gia cho rằng đây được coi là tấm "phao cứu sinh" hơn là một tấm bằng đánh giá năng lực.
Tại nhiều kỳ thi gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các địa phương vẫn giữ ở mức trên 90%. Trong khi đó, những năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nếu không dựa vào học bạ chỉ khoảng dưới 60%.
Như vậy, các chuyên gia đều đề xuất đã đến lúc nên bỏ việc sử dụng kết quả học bạ để tính điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc cần làm lúc này là đánh giá đúng thực chất lực học của các thí sinh để nâng cao chất lượng giáo dục của nước nhà chứ không phải để có một tấm "phao cứu sinh" làm nên những giá trị ảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!