Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính vừa thay mặt Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.
Đề xuất này nhằm kiểm soát giá bán sách giáo khoa, loại hàng hóa thiết yếu mà bất cứ gia đình nào có con em đi học cũng phải mua. Vậy cần hiểu thế nào cho chính xác về đề xuất này? Làm sao để cân bằng giữa quyền lợi của người sản xuất, kinh doanh và người sử dụng sách giáo khoa?
Mức giá SGK lớp 1 mới hiện dao động từ 179.000 - 199.000 đồng/bộ. Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh phải dự trù mua thêm 10% số lượng sách giáo khoa lớp 1 mới để cung ứng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Việc đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá nhằm điều tiết giá đối với loại hàng hóa đặc biệt này. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, khi Nhà nước định giá bán sách giáo khoa, việc rà soát các khoản chi sẽ được thực hiện trên cơ sở đảm bảo tính hợp lý của từng đầu mục. Các bộ sách giáo khoa sẽ được áp giá tối đa.
Đồng tình với việc đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc định giá trần sách giáo khoa cần phản ánh đầy đủ, chính xác chi phí sản xuất của doanh nghiệp, có tính đến mức lợi nhuận hợp lý để họ có điều kiện và động lực xây dựng sách giáo khoa có chất lượng. Khi có biến động về giá cần có điều chỉnh lên - xuống phù hợp, đồng thời đảm bảo nguyên tắc công bằng xã hội và quyền lợi cho học sinh.
Bênh cạnh đó, ông Ánh đề xuất nhà nước trợ giá và doanh nghiệp giảm giá bán sách giáo khoa đối với các đối tượng gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo trong xã hội.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng đề xuất, việc hỗ trợ sách giáo khoa cho các địa phương thuộc vùng khó có thể thực hiện thông qua hệ thống thư viện nhà trường, để học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể thuê hoặc mượn sách hàng năm. Trước đây, Ngân hàng Thế giới cũng dự kiến sẽ cho Việt Nam vay một khoản nhằm trang bị sách giáo khoa cho thư viện các vùng khó nhưng hiện nay việc này còn đang trong quá trình bàn thảo để phù hợp với tình hình mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!