PGS.TS Trần Văn Ơn, trưởng bộ môn Thực vật học, trường Đại học Dược Hà Nội là người Sán Chay đầu tiên có bằng Tiến sĩ dược. Ông từng từ chối học bổng du học tại Áo và Mỹ do thấy ngành học không phù hợp với đam mê, ước mơ phát triển ngành dược liệu Việt Nam của mình. Đi khắp vùng sâu, vùng xa để đánh thức khát vọng vươn lên thay đổi cuộc sống của bà con những vùng trồng dược liệu trên cả nước.
Hơn 60 năm kinh nghiệm nghiên cứu thực vật học Việt Nam và thế giới, ông đã đóng góp hơn 70 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trong và ngoài nước cho ngành dược liệu Việt Nam.
Không dừng ở việc nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Văn Ơn còn dành thời gian tư vấn, thuyết phục các hộ gia đình bảo vệ nguồn gen dược liệu, khuyến khích bà con làm chủ vườn dược liệu theo chuỗi hộ gia đình, hợp tác xã, công ty phát triển sản phẩm dược liệu... Ông đã có công biến những người nông dân chưa từng bước chân tới trường đại học thành cộng sự của các nhà nghiên cứu, thành chủ doanh nghiệp.
Với mong muốn phát triển vùng dược liệu Việt Nam, ông làm việc gấp 3-4 lần người khác, đi về giữa các vùng dược liệu, nghiên cứu, dành thời gian đào tạo các thế hệ sinh viên, trang bị kiến thức thực tế và quan trọng hơn là thổi vào tâm hồn các sinh viên lòng nhiệt tình, say mê với phát triển dược liệu.
"Đất nước chúng ta có lợi thế rất lớn, đó là văn hoá, cảnh quan, đa dạng sinh học, các vùng miền. Chúng ta phải phát triển cái đó lên, làm sao để giữ những người ưu tú trong cộng đồng để phát triển kinh tế. Có như vậy chúng ta mới đưa đất nước vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình" - giảng viên ĐH Dược Hà Nội chia sẻ.
Thầy Ơn bộc bạch: "Cá nhân tôi có 2 điều đang theo đuổi. Thứ nhất là chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" – OCOP mà tôi đã bắt đầu từ năm 2003 đến nay và rất may là chúng ta đã triển khai nó ở cấp quốc gia. Ấp ủ thứ hai là biến Việt Nam thành vườn thảo dược của thế giới, mà đây là công việc rất lâu dài, tôi nghĩ rằng tôi sẽ làm hết đời tôi."
"Cuộc đời tôi là một đường thẳng tắp, tất cả công việc tôi làm đều xoay quanh với cỏ cây dược liệu. Đó không đơn thuần là tình yêu mà còn là cả trách nhiệm, sứ mệnh của tôi. Chừng nào còn sống, tôi sẽ vẫn tiếp tục làm những công việc thế này", PGS.TS Trần Văn Ơn tâm sự.
Với phương châm nhen lên một ngọn lửa rồi truyền đi, truyền lại nuôi dưỡng niềm đam mê cháy dần trong trái tim của sinh viên, thầy Ơn mong muốn những thế hệ tiếp nối lại có những người dành cuộc đời lăn lộn với dược liệu như mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!