TP.HCM: Khó khăn khi dừng tuyển sinh hàng trăm ngành

Minh Xuân-Thứ năm, ngày 13/02/2014 14:51 GMT+7

Trong năm 2014 này, rất có thể sẽ có trên 300 thí sinh không thể đăng ký thi vào ngành sư phạm âm nhạc tại Nhạc viện TP.HCM do ngành này chưa có tiến sỹ giảng dạy.

Trong hơn 20 năm qua, nhạc viện TP.HCM đã đào tạo hàng ngàn cử nhân sư phạm âm nhạc, cung cấp đội ngũ giáo viên dạy nhạc cho các trường miền Nam và cả nước. Chất lượng được đánh giá tốt qua từng năm. Thế nhưng, trong năm 2014 này, rất có thể sẽ có trên 300 thí sinh không thể đăng ký thi vào ngành này. Lý do là ngành sư phạm âm nhạc chưa có tiến sỹ giảng dạy. Thế nhưng, nghịch lý lại nằm ở chỗ khóa đào tạo thạc sỹ sư phạm âm nhạc chỉ mới mở cách đây hơn 3 năm.

PGS. TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho biết: “Để có một tiến sỹ như yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo như hiện nay thì tôi e rằng Việt Nam chưa có. Các trường phải chấp hành nhưng chúng tôi cần sự sẻ chia, giúp đỡ của Bộ”.

Mùa tuyển sinh vừa qua, khoa Tây Ban Nha của trường Đại học KHXH&NV TP.HCM đã tuyển được 64 sinh viên, vượt hơn con số mà nhà trường kỳ vọng. Điều đó chứng tỏ ngành học này vẫn còn sức hút và tiềm năng. Nhưng năm 2014 này, ngành trên cũng sẽ bị dừng tuyển sinh cũng với lý do là chưa có tiến sỹ giảng dạy. Điều này còn xuất hiện ở nhiều ngành học bị dừng tuyển sinh khác. Vì thế, nhiều người đã ví von việc yêu cầu có tiến sỹ trong khi ngưng đào tạo cử nhân cũng tựa như phải giải đáp câu hỏi “con gà có trước hay cái trứng có trước?”.

PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV TP.HCM cho rằng: “Nếu không đào tạo cử nhân thì không thể mở ngành, lấy đâu thạc sỹ, tiến sỹ. Quyết định của Bộ đúng về cơ bản, nhưng cũng cần tính đến những đặc thù”.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong việc chấn chỉnh và nâng chất lượng đào tạo ở bậc Đại học – Cao đẳng. Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa quyết định quan trọng, có ảnh hưởng lớn cần cân nhắc nhiều hơn cho phù hợp với thực tế. Chưa kể, với các ngành đặc thù thì việc giữ khung quy định của bằng cấp xem ra hơi cứng nhắc.

Trong danh sách các trường đại học có ngành học bị "xóa sổ", có nhiều trường mất đến hàng chục ngành, thậm chí có trường chỉ còn lại 2 ngành đào tạo. Điều này chắc chắn sẽ gây ra nhiều biến động khác như đội ngũ giáo viên, cơ chế, kinh phí hoạt động của các trường. Đó là chưa kể hàng trăm ngành cao đẳng thuộc các trường đại học khác cũng đang có nguy cơ dừng tuyển sinh do không đáp ứng đủ điều kiện quy định.

Với thời gian quá ngắn để xoay trở, chắc chắn không chỉ có các trường bị ảnh hưởng mà nhiều thì sinh cũng sẽ phải băn khoăn và buộc phải thay đổi ngành học đã chọn.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước