Câu chuyện Điều ước thứ 7 tuần này kể về cựu chiến binh Lâm Văn Bảng, người dành 30 năm rong ruổi trên mọi chiến trường để tìm, sưu tầm những kỷ vật gắn với đồng đội. Nhiều khi, ông tưởng chừng phải bỏ cuộc vì sức khỏe yếu nhưng với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, ông lại quyết thực hiện tâm nguyện thành lập bảo tàng lưu giữ những hiện vật trong chiến tranh.
Theo ông Bảng khó khăn lớn nhất khi đi sưu tầm các kỷ vật là tuổi cao, sức yếu, việc đi lại không thuận lợi. Nhưng với tinh thần "4 tự" ông đặt ra - tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm, những khó khăn dần qua đi.
Thời gian đầu gia đình, làng xóm chưa hiểu hết nên không tán thành. Vì vậy sau khi sưu tầm các kỷ vật, ông để vào phòng truyền thống của gia đình. Sau đó, ông bàn với vợ con hiến toàn bộ hơn 2.000m2 đất để lập bảo tàng. Ngày 16/11/2006, bảo tàng "Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày" chính thức đi vào hoạt động.
Đến nay, bảo tàng đã quy tập và trưng bày được 4000 hiện vật. Mỗi hiện vật là một câu chuyện thấm đẫm máu và nước mắt của người chiến sĩ cách mạng.
Bảo tàng là điểm đến được nhiều người lựa chọn khi muốn tìm hiểu về lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc. Tuy nhiên, điều khiến ông Bảng trăn trở lúc này là vấn đề sức khỏe. Thêm vào đó, kinh phí hoạt động của bảo tàng còn hạn hẹp. Ông hiện chưa tìm ra giải pháp để tiếp tục lưu giữ, phát triển bảo tàng.
Ngay khi biết được câu chuyện của cựu chiến binh Lâm Văn Bảng, ê- kíp sản xuất chương trình Điều ước thứ 7 đã lên kế hoạch để thực hiện mong muốn của ông. Sau buổi họp, nhóm sản xuất đã xây dựng ý tưởng về một triển lãm nhỏ trưng bày các hiện vật thời chiến, nơi ông Bảng có thể truyền đạt những câu chuyện cách mạng đến thế hệ trẻ.
Bênh cạnh đó, chương trình Điều ước thứ 7 còn tổ chức một cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ông Bảng và những đồng đội cũ là ông Đoàn Văn Công và ông Dũng. Ba cựu chiến binh cùng nhau ôn lại những kỷ niêm hào hùng thời chiến tranh. Đây cũng là bài học giúp thế hệ trẻ thêm trân trọng cuộc sống tự do, hạnh phúc ở hiện tại.