Họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ, đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam

Trung Kiên-Thứ tư, ngày 07/05/2014 19:35 GMT+7

Buổi họp báo quốc tế với sự tham gia của nhiều hãng tin quốc tế như NHK, AP, AFP. (Ảnh: VTV Online)

Chiều nay (7/5), buổi họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam đã được tiến hành tại Hà Nội.

Liên tiếp trong các ngày gần đây các tàu hải cảnh và hải giám của Trung Quốc đã dùng vòi rồng phun nước và dùng tàu lao trực tiếp vào các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam trên vùng biển nơi giàn khoan dầu HD 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo quốc tế chiều nay (7/5) do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Theo Ủy ban Biên giới quốc gia lúc 5h22’ ngày 1/5 vừa qua, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (mà Việt Nam vẫn thường gọi là HD 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày hôm sau, giàn khoan này được thả trôi, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.

Còn theo Phó Tư lệnh, Tham Mưu trưởng Cảnh sát biển Ngô Ngọc Thu thì sáng ngày 2/5, 3/5 và 12 giờ trưa ngày hôm nay các tàu hải giám và của Trung Quốc đã nhiều lần lao vào tàu của Việt Nam gây rách một số tàu và làm 6 người bị thương do mảnh kính găm vào phần mềm.

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham Mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, 12h00 ngày 07/5/2014, Trung Quốc đã huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm: Tàu Hộ vệ Tên lửa 534 và tàu Tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 753; cùng 33 tàu Hải Cảnh, Hải Giám, Ngư chính; các tàu vận tải, tàu cá và các tàu phục vụ khác. Khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD981, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu. Lúc 12h ngày hôm nay tàu Hải cảnh 3411 tiếp tục có hành động đâm vào tàu CSB8003. Trung Quốc sử dụng đồng thời máy bay số hiệu 8321 bay trên không phận tàu CSB8003, nhằm uy hiếp các tàu Việt Nam. Đối với các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây nên tình trạng hết sức căng thẳng trên thực địa”.

Ông Ngô Mai Thịnh, Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói: “Từ ngày 2-7/5, Trung Quốc thường xuyên sử dụng từ 2-3 tàu kèm 01 tàu ta để ngăn cản, đâm húc và phun nước áp lực cao làm hư hại 08 tàu Kiểm ngư đang thực thi pháp luật trên biển, có tàu Kiểm Ngư bị tàu Hải Cảnh đâm, húc đẩy nhiều lần (KN 762 bị 9 lần vào các ngày 2, 3, 4 và 5/5)”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải cũng cho biết trong một tuần qua, Việt Nam và đã nhiều lần trao đổi với Trung Quốc về vấn đề này. Riêng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 8 cuộc giao thiệp nghiêm túc với phía Trung Quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh. Ông Trần Duy Hải cũng nhấn mạnh, Việt Nam là một đất nước hòa bình và Việt Nam sẽ sử dụng tất cả những điều đã được quy định trong Hiến chương LHQ và Công ước về Luật biển của LHQ để bảo vệ vệ chủ quyền của mình. Đồng thời Việt Nam cũng đã thông báo với các nước ASEAN vì đây là vấn đề đe dọa đến hòa bình và an toàn, an ninh hàng hải trên Biển Đông.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam Đỗ Văn Hậu thì lô 142 và 143 mà giàn khoan của Trung Quốc hạ đặt thăm dò trái phép sâu khoảng 1000m, khu vực này đã được khảo sát địa chấn từ năm 1972 và chưa phát hiện có dầu. Và đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa trái phép dàn khoan vào khu vực này. Tuy nhiên, việc khai thác ở khu vực nước sâu không hề đơn giản.

Tại cuộc họp báo Phó Tư lệnh, Tham Mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng khẳng định hiện hải quân Việt Nam chưa có mặt tại khu vực giàn khoan HD981 của Trung quốc hạ đặt trái phép, tuy nhiên, mọi tình hình vẫn được các lực lượng chức năng theo dõi và nắm bắt chặt chẽ nhằm bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam. Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam Đỗ Văn Hậu cũng khẳng định sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp cận những khu vực mà tập đoàn này đang khai thác trong bất kỳ tình huống nào.

Mời quý vị và các bạn theo dõi toàn cảnh cuộc họp báo qua video sau

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước