PV Văn Đông: "Tác nghiệp tại Biển Đông, dấu ấn khó phai mờ trong đời làm báo"

T.H-Thứ sáu, ngày 06/06/2014 14:36 GMT+7

Luôn phải tác nghiệp trong hoàn cảnh điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và ẩn chứa nhiều rủi ro, phóng viên VTV4 Văn Đông cho biết chuyến công tác tại điểm nóng Hoàng Sa sẽ là một dấu ấn khó phai mờ trong đời làm báo của anh.

Ngay khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Ban Truyền hình Đối ngoại đã ngay lập tức cử nhóm phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường nhằm kịp thời phản ánh những thông tin mới nhất tới khán giả, đặc biệt là cộng đồng Việt kiều và bạn bè quốc tế. BTV Văn Đông chính là một trong số những phóng viên của VTV4 được cử đi tác nghiệp.

‘ PV Văn Đông (thứ 2 bên trái) trao quà hỗ trợ cho ngư dân tại Lý Sơn

Cảm nhận của anh như thế nào khi là một trong số ít các phóng viên được tác nghiệp trực tiếp tại Hoàng Sa?

PV Văn Đông: Đối với tôi, Hoàng Sa và Trường Sa mang một ý nghĩa rất đặc biệt, bởi từ khi đi học, tôi luôn ý thức đây là lãnh thổ của Việt Nam, nơi mà cha ông ta đã sinh sống hàng trăm năm qua. Vì vậy, khi được cử đi tác nghiệp tại Hoàng Sa, tôi nghĩ đó là một cơ hội hiếm có. Do nhiều điều kiện ngoại cảnh, đây là địa danh mà không phải ai cũng có cơ hội và điều kiện để đến. Vì thế khi tới đây chúng tôi luôn cố gắng một cách tốt nhất có thể để phản ánh chân thực tình hình đang diễn ra, gửi tới khán giả trong và ngoài nước.

Tình hình thực tế tác nghiệp tác tại Hoàng Sa của các anh khi đó ra sao?

PV Văn Đông: Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là rất nhiều tàu Trung Quốc được xếp hình rẻ quạt xung quanh vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Khi về đêm, thông qua màn hình radar của cảnh sát biển, chúng tôi có thể dễ dàng quan sát thấy số lượng áp đảo của các tàu Trung Quốc tại đây.

Hàng ngày, chúng tôi cũng được đi theo các tàu cảnh sát biển tiến gần đến khu vực giàn khoan để thực hiện công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam bằng ba thứ tiếng Việt - Trung - Anh. Tuy nhiên, như các bạn đã được biết thông tin qua các báo đài trong thời gian qua, trong khi Việt Nam thực hiện biện pháp hòa bình, thì Trung Quốc lại có nhiều hành động gây hấn như rượt đuổi, phun vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam...

Đó chính là những ấn tượng đầu tiên chúng tôi ghi nhận được khi đặt chân tới Hoàng Sa.

‘ PV VTV4 tác nghiệp tại Hoàng Sa

Vậy, các anh có gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp?

PV Văn Đông: Mặc dù những thành viên trong đoàn công tác của VTV4 lần này đều đã từng có kinh nghiệp tác nghiệp tại nhiều vùng biển khác nhau trên cả nước, nhưng khi đến với Hoàng Sa thì điều kiện ở đây lại hoàn toàn khác. Sóng ở đây rất lớn, thường ở cấp 5 - 6. Trong khi chúng tôi ở trên một tàu nhỏ trong nhiều ngày nên từ việc sinh hoạt hằng ngày đến chuyện tác nghiệp đều khá khó khăn.

Tuy nhiên, khó khăn nhất với chúng tôi là việc gửi tin bài về đất liền. Chúng tôi phải sử dụng điện thoại vệ tinh hoặc thông qua một tàu khác để chuyển tin về. Ngoài ra, vấn đề sinh hoạt trên tàu cũng rất vất vả, đặc biệt là thiếu nước. Khi chúng tôi lên tàu thì nhận được thông báo, tàu chuẩn bị hết nước và 3 ngày tắm một lần.

Ở trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, các có nhận được sự hỗ trợ nào không?

PV Văn Đông: Điều thuận lợi nhất khi tác nghiệp tại Hoàng Sa là chúng tôi đã nhận được sự trợ giúp của các đồng chí cảnh sát biển - từ tìm vị trí để ghi hình đến việc gửi tin bài về nhà đều được họ hỗ trợ tối đa. Họ cũng đảm bảo yếu tố an toàn cho chúng tôi khi tác nghiệp.

Tác nghiệp trong hoàn cảnh tiềm ẩn nhiều sự rủi ro như vậy, điều anh nghĩ tới nhiều nhất lúc đó là gì?

PV Văn Đông: Trong hoàn cảnh tác nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng tất cả các phóng viên có mặt trên tàu đều hăng say, ra đuôi tàu để quay phim, chụp ảnh và dẫn hiện trường. Điều chúng tôi nghĩ đến nhiều nhất vào lúc đó là phải ghi được những hình ảnh thực tế, chân thực nhất để gửi tới khán giả.

Tôi nghĩ việc chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đương đầu với nguy hiểm là điều cần thiết đối với một phóng viên, đặc biệt là khi tác nghiệp tại những điểm nóng.

Được biết bên cạnh việc tác nghiệp tại Hoàng Sa, đoàn phóng viên VTV4 cũng đã tổ chức hoạt động hỗ trợ ngư dân ở vùng đảo Lý Sơn, anh có thể chia sẻ một chút về hoạt động này?

PV Văn Đông: Đây là chuyến hỗ trợ cho những ngư dân để có điều kiện tiếp tục vươn khơi của tập thể cán bộ VTV4. Một điều đặc biệt là trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn gặp được một chiếc thuyền bị đâm hỏng và tịch thu ngư cụ. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với một chiếc tàu bị gây hấn và trở về trong điều kiện đã bị lấy hết ngư cụ, phá hoại phương tiện đánh cá và lấy cá.

‘ Phóng viên Văn Đông ghi lại những hình ảnh chân thực từ vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam

Cuộc sống của những ngư dân Lý Sơn có bị tác động nhiều từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981?

PV Văn Đông: Hoàng Sa là ngư trường mà ông cha nhiều thế hệ người dân đảo Lý Sơn đã sinh sống và khai thác hàng trăm năm qua. Vì vậy, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã ảnh hưởng trực tiếp đến nơi họ mưu sinh.

Mặc dù vậy, bất chấp việc bị ngăn cản, phá hoại, bằng tất cả sự nỗ lực của mình, những ngư dân Lý Sơn vẫn bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Bởi đó là cách họ lưu truyền mảnh đất của cha ông cho con cháu họ sau này.

Kết thúc chuyến công tác tại Hoàng Sa, anh có điều gì tiếc nuối?

PV Văn Đông: Có một điều khiến tôi hơi tiếc nuối đó là việc đưa thông tin nhanh chóng không được đảm bảo do điều kiện tác nghiệp tại thực tế rất đặc thù, cộng với phương tiện trang bị tác nghiệp bị hạn chế.

Vậy những suy nghĩ còn đọng lại trong anh sau chuyến đi này là?

PV Văn Đông: Bản thân tôi cho rằng đây là một chuyến hành trình đặc biệt. Trong đời làm báo, có lẽ tôi sẽ không có nhiều cơ hội để đến tác nghiệp tại Hoàng Sa như vậy. Quan trọng nhất chính là cảm giác tự hào vì mình nằm trong số ít những người có điều kiện nói lên tiếng nói đấu tranh cho chủ quyền của Tổ quốc ngay tại thực địa Hoàng Sa. Điều này sẽ rất khó phai mờ.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước