Đó là khẳng định của học giả Việt Nam tại cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Philippines, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông” diễn ra tại Thủ đô Washington DC, Mỹ ngày 3/6.
Tại cuộc hội thảo, đại diện phía Việt Nam đã khẳng định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động đơn phương, gây căng thẳng, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm thỏa thuận Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Những chứng cứ cụ thể cũng cho thấy, Trung Quốc không thống nhất giữa nói và làm, đi ngược lại các thoả thuận song phương với Việt Nam.
Theo thống kê của học giả Mỹ J.Stapleton, Viện trưởng Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc liên quan tới hầu hết các căng thẳng và điểm nóng tại khu vực Đông Á, và Đông Á hiện cũng đang bất ổn hơn nhiều so với 10 năm về trước.
Tại hội thảo, các diễn giả đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vai trò của Mỹ việc xử lý các tranh chấp tại khu vực Biển Đông; về tính pháp lý trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, cũng như về cách ứng xử của nước này với các nước khác trong khu vực.
Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao nói: “Các nước trong khu vực, cả Việt Nam đã nói rằng, đây không phải là vùng tranh chấp. Nhưng Trung Quốc lại muốn biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp rồi đòi khai thác chung ở đó. Giống như hàng xóm nhà bạn, đến nhà bạn nói rằng, nửa cái sân nhà bạn là của họ, rồi nói với bạn giờ chúng ta sẽ sử dụng chung cái sân đó. Liệu bạn có chấp nhận không?”.
Sự xuất hiện của học giả Việt Nam tại diễn đàn như thế này đã góp phần giúp cho các học giả quốc tế, dư luận quốc tế hiểu thêm về những chứng cứ pháp lý vững chắc của Việt Nam đối với chủ quyền tại Biển Đông, cũng như giúp họ hiểu rõ hơn cách tiếp giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, nhưng cũng rất kiên quyết của phía Việt Nam.
Quý độc giả quan tâm tới vấn đề này có thể theo dõi video dưới đây: