10 tỷ lượt khách được chuyên chở bằng tàu Shinkansen

VTV Digital-Thứ tư, ngày 02/10/2024 11:28 GMT+7

VTV.vn - Trong 60 năm qua, tàu Shinkansen đã trở thành một phương tiện vận tải không thể thiếu, đóng góp đáng kể với các hoạt động kinh tế - xã hội của Nhật Bản.

Hôm qua, ngày 1/10, nước Nhật đã long trọng kỷ niệm 60 năm đi vào vận hành tàu Shinkansen - một trong những hệ thống đường sắt tốc độ cao nhộn nhịp nhất tại châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung. Trong suốt lịch sử của mình, hệ thống tàu Shinkansen đã vận chuyển tổng cộng hơn 10 tỷ lượt hành khách tại Nhật Bản - một con số cho thấy năng lực vận tải mạnh mẽ mà hệ thống này mang lại cho nền kinh tế đứng thứ tư thế giới.

Tên gọi Shinkansen mang ý nghĩa là "Tuyến giao thông chủ chốt mới". Trong 60 năm qua, tàu Shinkansen đã trở thành một phương tiện vận tải không thể thiếu, đóng góp đáng kể với các hoạt động kinh tế - xã hội của Nhật Bản.

Đầu tiên phải nói tới lợi ích từ sự an toàn của đường sắt tốc độ cao Shinkansen, trong 60 năm qua đã không để xảy ra một vụ tai nạn chết người nào. Điều này đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh, du lịch và nền kinh tế địa phương, làm thay đổi hoàn toàn không chỉ lối sống mà còn cả cách suy nghĩ của người dân Nhật Bản.

Theo tạp chí Diamond, chỉ dựa trên việc tiết kiệm về thời gian, Shinkansen đã đóng góp cho kinh tế Nhật Bản trung bình 250 tỷ Yen, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm. Sự đóng góp cho kinh tế của tuyến Shinkansen kết nối giữa Tokyo và Osaka còn vượt xa mọi sự tính toán, khi ngay tại thời điểm bắt đầu vận hành vào năm 1964 đã tạo ra 900 tỷ Yen (6,2 tỷ USD) do hiệu ứng hút các nhà máy và hoạt động kinh tế khác, theo ước tính của Tập đoàn Đường sắt quốc gia Nhật Bản - đơn vị chủ sở hữu của Shinkansen thời kỳ đó.

Ngoài ra, xuất khẩu công nghệ đường sắt tốc độ cao Shinkansen trong 60 năm qua cũng mang lại khoản lợi nhuận lớn cho Nhật Bản, đáng chú ý là việc xuất khẩu sang Đài Loan và Ấn Độ.

10 tỷ lượt khách được chuyên chở bằng tàu Shinkansen - Ảnh 1.

Các nhà điều hành mạng lưới tàu Shinkansen nỗ lực duy trì các tiêu chuẩn công nghệ cao trong vận hành và bảo dưỡng các tuyến tàu

Tàu Shinkansen và các tiêu chuẩn công nghệ cao Nhật Bản

Ngược dòng lịch sử, tàu Shinkansen chính thức được vận hành, khai trương vào năm 1964 nhân dịp Thế vận hội Olympic được tổ chức tại Tokyo. Lần đầu tiên đăng cai một kỳ Thế vận hội, tàu Shinkansen chính là một minh chứng cho thành tựu công nghệ của nước Nhật sau khi bước ra khỏi thế chiến. Và cho đến ngày nay, các nhà điều hành mạng lưới tàu Shinkansen vẫn đang nỗ lực duy trì các tiêu chuẩn công nghệ cao trong vận hành và bảo dưỡng các tuyến tàu.

Tại Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản - một trong ba hãng vận hành toàn bộ hệ thống tàu Shinkansen, mỗi ngày, mọi công việc dọn dẹp, bảo dưỡng, kiểm tra đoàn tàu đều được thực hiện một cách tỉ mỉ. Các kỹ sư luôn nỗ lực nhằm tránh mọi lỗi có thể xảy ra.

Anh Yuta Akimoto - Kỹ sư bảo dưỡng tàu Shinkansen, Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản cho biết: "Tôi chịu trách nhiệm kiểm tra các thiết bị dưới sàn, toa xe và cửa ra vào. Tôi thường dùng búa gõ vào các bu lông và dựa vào âm thanh để xem chúng có bị lỏng hay không, không được bỏ qua một bất thường nhỏ nào".

Các tiêu chuẩn rất cao về vận hành và bảo dưỡng giúp cho tàu Shinkansen luôn có uy tín lớn về sự đúng giờ cũng như độ an toàn. Trên tuyến Tokaido - tuyến tàu đầu tiên và cũng là nhộn nhịp nhất toàn bộ hệ thống Shinkansen, hơn 96% lượt hành khách đi tàu mỗi năm không hề gặp phải tình trạng chậm chuyến. Mạng lưới tàu Shinkansen cũng chưa từng gặp một vụ tai nạn gây thương vong nào trong lịch sử hoạt động.

Và không chỉ giữ các tiêu chuẩn như hiện nay, các công ty cũng đang hướng tới công nghệ mới trong quá trình vận hành bảo dưỡng tàu.

Ông Katsuya Ebata - Giám đốc trạm bảo dưỡng, Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản chia sẻ: "Song song với kiểm tra bằng mắt thường, chúng tôi cũng đang nghiên cứu hệ thống, kiểm tra các hình ảnh và video bằng AI để phân tích và ra quyết định chính xác hơn trong quá trình bảo dưỡng".

Trong bối cảnh áp lực về nhân sự ngày càng gia tăng do già hóa dân số, việc thúc đẩy các công nghệ mới chính là cách mà người Nhật Bản tiếp tục duy trì tiêu chuẩn công nghệ cao như trong 6 thập kỷ qua, giúp cho các tuyến tàu Shinkansen luôn hoạt động chính xác và an toàn.

10 tỷ lượt khách được chuyên chở bằng tàu Shinkansen - Ảnh 2.

Tàu Shinkansen vẫn giữ vai trò rất quan trọng với nền kinh tế của xứ sở mặt trời mọc

Tàu Shinkansen và lợi ích với kinh tế Nhật Bản

Đường sắt tốc độ cao Shinkansen của Nhật Bản hiện đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước khác như Trung Quốc, châu Âu. Để đảm bảo ưu thế vượt trội so với các đối thủ, các nhà phát triển Shinkansen của Nhật Bản đang nỗ lực để duy trì "ba cái nhất": chính xác về thời gian nhất, an toàn nhất và tần suất hoạt động cao nhất.

Về công nghệ, Nhật Bản đang tiếp tục tập trung nghiên cứu công nghệ Shinkansen chạy trên đệm từ trường, có tốc độ thử nghiệm đạt trên 600 km/giờ. Dự kiến sẽ áp dụng trên tuyến Tokyo - Nagoya vào năm 2027 và Tokyo - Osaka từ năm 2045. Nhật Bản tiếp tục cải tiến công nghệ bảo dưỡng, giám sát áp dụng các kỹ thuật mới như trí tuệ nhân tạo, robot.

Hiện nay, giới chức Nhật Bản đang chú trọng xuất khẩu công nghệ và hạ tầng Shinkansen ra nước ngoài như một chiến lược tăng trưởng đất nước.

Đã trải qua hơn 60 năm lịch sử, tàu Shinkansen vẫn giữ vai trò rất quan trọng với nền kinh tế của xứ sở mặt trời mọc và chúng cũng đang không ngừng được cải tiến, nâng cấp để thích ứng với thời đại mới. Và những thành công của tàu Shinkansen cũng là minh chứng cho sự phát triển và các thành tựu mà công nghệ đường sắt tốc độ cao đã đem lại trên thế giới trong những năm qua và cả trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước