Theo tờ Độc lập, khảo sát của Carbon Tracker được thực hiện dựa trên khả năng sinh lời của gần 6.700 nhà máy nhiệt điện trên khắp thế giới, tương ứng 95% tổng công suất từ các nhà máy nhiệt điện hiện nay. Chi phí nguyên liệu đầu vào cao là lý do chính khiến 42% số các nhà máy nhiệt điện đang vận hành chịu lỗ. Con số này dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi thuế đánh vào phát thải CO2 tăng và các luật liên quan đến ô nhiễm không khí được siết chặt hơn.
Theo các báo cáo, Trung Quốc - nước sản xuất nhiệt điện lớn nhất thế giới hiện nay, có thể tiết kiệm được gần 400 tỷ USD nếu dừng các nhà máy đang thua lỗ. Nếu Mỹ không rút khỏi COP21 và vẫn thực thi các cam kết đóng cửa nhà máy nhiệt điện theo thỏa thuận khí hậu Paris, nước này tiết kiệm được 78 tỷ USD.
Theo Reuters, ở các nền kinh tế đang phụ thuộc chính vào nhiệt điện, giải pháp là phải chọn lựa giữa đóng cửa các nhà máy, hoặc trợ giá nguyên liệu than đầu vào, hoặc tăng giá điện để bù lỗ chi phí hoạt động. Reuters cũng trích một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào tháng 10 năm nay cho biết, đến năm 2050, tỷ trọng nhiệt điện than trên tổng nguồn cung năng lượng toàn cầu cần được cắt giảm xuống dưới 2% để giữ nhiệt độ Trái Đất ở trong giới hạn an toàn.
Một vài nơi trên thế giới đã bắt đầu có các động thái đón đầu giai đoạn chuyển dịch nguồn cung điện này. Hà Lan đã công bố lộ trình cấm và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện trong nước đến năm 2024. Trung Quốc, Hungary và Đức cũng có động thái tương tự khi xem xét giảm dần tiêu thụ than và cân nhắc kế hoạch dừng các nhà máy nhiệt điện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!