Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm 2018, nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch. Dự báo này được đưa ra vào sáng nay (10/4) tại Hà Nội trong buổi hội thảo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2017.
Báo cáo ghi nhận động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm 2017 - 2018 là đầu tư nước ngoài trong sản xuất chế tạo. Những kỷ lục về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm qua đã thúc đẩy ngành chế tạo trong nước.
Cụ thể, vốn FDI giải ngân trong Quý I 2017 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất tăng 12% trong năm 2016. Trong khi hầu hết các nước ASEAN có mức xuất khẩu giảm trong năm 2015 - 2016, thì xuất khẩu ở Việt Nam có mức tăng 8,3%. Do đó, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là trung tâm sản xuất chế tạo của khu vực. Bên cạnh đó, nhóm thu nhập trung bình tiếp tục tăng đóng góp vào tăng trưởng tiêu dùng qua các năm ở mức 8,9%/năm. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sẽ là thách thức lớn cho Việt Nam trong thời gian tới. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng chậm hơn so với phần còn lại của nền kinh tế Việt Nam, làm giảm đà tăng trưởng chung. Những yếu tố như năng suất lao động trong nước thấp (chỉ bằng 1/3 so với Indonesia và một nửa so với Thái Lan và Philippines), tác động ngày càng xấu của biến đổi khí hậu, khiến tăng trưởng của khu vực này chỉ khoảng 2%/năm kể từ năm 2011.
Do đó, một số ưu tiên cải cách trước mắt đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao nhận thức về sử dụng đất đai bền vững và đặc biệt là lồng ghép tốt hơn các vấn đề biến đổi khí hậu vào quá trình lập chính sách.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!