Áp lực lạm phát đè nặng lên người tiêu dùng Mỹ

Thanh Hiệp - Việt Linh-Thứ ba, ngày 18/01/2022 06:44 GMT+7

VTV.vn - Các số liệu mới công bố cho thấy, lạm phát tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 12 đã gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm qua.

Lạm phát leo thang đang làm gia tăng chi phí sinh hoạt, ăn mòn tiền lương và gây sức ép lớn lên người tiêu dùng Mỹ.

Báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/1 cho thấy, lạm phát tại Mỹ trong tháng 12 đã tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982. Tình trạng này đang khiến nhiều người dân Mỹ cảm thấy ngột ngạt trong chi tiêu, từ mua xăng cho đến mua các nhu yếu phẩm cần thiết.

Ông Howard Hine, người tiêu dùng Mỹ, cho biết: "Việc mua thực phẩm ngày càng khó khăn. Trước đây, bạn chỉ cần trả 100 USD hay 150 USD, giờ thì cần tới 200 hay 225 USD".

Chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn đã buộc nhiều người dân phải cố gắng tìm cách thích nghi. Chị Weber sống tại San Francisco, thậm chí đã phải tính đến việc rời khỏi thành phố để tiết kiệm chi phí.

Áp lực lạm phát đè nặng lên người tiêu dùng Mỹ - Ảnh 1.

Lạm phát Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm. Ảnh: Reuters.

Chị Whitney Weber, người tiêu dùng Mỹ, chia sẻ: "Đó là một vấn đề khiến chúng tôi đau đầu. Chúng tôi có 2 nguồn thu nhập, nhưng khả năng chi tiêu vẫn khá eo hẹp, đặc biệt là trong 6 tháng qua. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến chúng tôi quyết định chuyển ra vùng ngoại ô".

Các doanh nghiệp Mỹ hiện đang cố gắng ứng phó với lạm phát bằng cách tăng giá bán sản phẩm, để bù đắp chi phí và trả lương cao hơn cho nhân viên của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn.

Chị Kelly Maughn, người tiêu dùng Mỹ, cho biết: "Có thể thông cảm cho những doanh nghiệp đang tăng giá bán sản phẩm bởi họ đang cố gắng kiếm tiền và trả cho nhân viên của mình một mức lương hợp lý. Tuy nhiên, điều này cũng khiến việc chi tiêu trở nên khó khăn. Bạn sẽ cần phải lựa chọn một cách kỹ lưỡng trước khi mua hàng".

Theo AP, ngay cả khi lương đã tăng, mức tăng thu nhập này của nhiều người dân Mỹ cũng có thể bị xói mòn nhanh chóng bởi đà tăng giá hàng hóa phi mã như hiện nay. Trên thực tế, mức lương tại khu vực tư nhân ở Mỹ trong tháng 11 đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước sau khi tính đến các yếu tố lạm phát. Các chuyên gia lo ngại, tình trạng này nếu kéo dài, có thể buộc các doanh nghiệp phải tăng lương hơn nữa để thu hút người lao động, từ đó tạo ra vòng xoáy giá cả - tiền lương khiến lạm phát tiếp tục leo thang.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước