Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong những tháng đầu năm nay, Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu liên tục cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên trong thời gian tới, để tiếp tục bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, công ty, hiệp hội trong lĩnh vực xăng dầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình, duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định. Theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối, nhất là những thương nhân thực hiện đạt thấp; chỉ đạo, hướng dẫn việc điều tiết, bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn. Chủ động xây dựng kế hoạch cho năm tới và các năm tiếp theo; dứt khoát không để thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước Nhân dân nếu để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung. Thường xuyên theo dõi sát các diễn biến thị trường hàng hóa thế giới và trong nước, tình hình thiên tai, bão, lụt để có kế hoạch dự phòng. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan trong quản lý, điều hành giá xăng dầu. Tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục chủ trì, phối hợp khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu theo đúng chỉ đạo, báo cáo Chính phủ trong tháng 9 này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu phù hợp, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, bảo đảm mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối trong việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tiếp tục thực hiện kiểm tra giám sát, yêu cầu các cửa hàng bán lẻ, thương nhân kinh doanh về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Triển khai dự trữ quốc gia xăng dầu theo kế hoạch.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn để khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn hàng, bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Xăng dầu có kế hoạch, phương án sản xuất, phân phối, dự trữ, điều tiết, bán lẻ xăng dầu phù hợp, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường.
Các Tập đoàn, công ty xăng dầu chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tổ chức vận hành an toàn, ổn định các nhà máy, đại lý bảo đảm việc sản xuất, dự trữ, kinh doanh đầy đủ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân tạo nguồn hàng, vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!