Bệnh viện tự chủ tài chính cần minh bạch và giám sát chặt chẽ

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 19/06/2019 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, để tránh xảy ra việc lạm thu, ảnh hưởng tới bệnh nhân khi các bệnh viện tự chủ, cần thiết phải có vai trò của nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát.

Khi các bệnh viện trên đi vào tự chủ, giá viện phí có thể sẽ tiếp tục tăng. Do vậy, để tránh xảy ra việc lạm thu, ảnh hưởng tới bệnh nhân, theo các chuyên gia cần thiết phải có vai trò của nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát.

4 bệnh viện lớn bao gồm Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và Bệnh viện K được thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện theo Nghị quyết 33 mới được Chính phủ ban hành. Bệnh viện được hoạt động tương tự như một doanh nghiệp. Sẽ có Hội đồng quản lý và Tổng Giám đốc hay Giám đốc bệnh viện. Bệnh viện được quyền quyết định quy mô bệnh viện, liên kết với các đơn vị khác để mua sắm trang thiết bị, máy móc, đầu tư cơ sở vật chất.

Chủ trương mới này sẽ có tác động đến 3 nhóm đối tượng là Nhà nước, các bệnh viện tự chủ và người bệnh. Vậy 3 nhóm đối tượng này sẽ gặp thuận lợi gì, gặp khó khăn gì khi 4 bệnh viện tự chủ về tài chính? 

Đối với Nhà nước, việc tự chủ của 4 bệnh viện sẽ ngay lập tức giúp ngân sách tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Theo Bộ Y tế, mỗi năm, Nhà nước phải chi 1.200 tỷ đồng trả lương cho khoảng 11.000 cán bộ công nhân viên viên y tế của 4 bệnh viện trên. Khi các bệnh viện tự chủ, ngân sách sẽ không phải chi số tiền này. Chưa kể, ngân sách cũng sẽ không phải chi hàng nghìn tỷ đồng khác để đầu tư cơ sở, trang thiết bị máy móc. Thống kê sơ bộ cho thấy, từ 2016-2018, ngân sách Nhà nước cũng đã tiết kiệm được 8.950 tỷ đồng.

Đối với 4 bệnh viện trên, việc tự chủ tài chính sẽ giúp các bệnh viện có thể huy động nguồn đầu tư từ bên ngoài để có thể đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đồng thời, cải thiện được tiền lương cho đội ngũ y bác sĩ, người lao động, thu hút được nhân tài, chống "chảy máu chất xám". Cái lợi với bệnh viện là thấy rõ, còn với đối tượng cuối cùng được thụ hưởng, cũng như chịu tác động từ việc tự chủ tài chính bệnh viện là người dân thì băn khoăn lớn nhất là liệu giá viện phí có theo đó mà tăng cao?

Đại diện bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết: Sau khi bệnh viện tự chủ tài chính, giá dịch y tế sẽ tiến đến tính đúng, tính đủ theo thị trường. Tuy nhiên, có tới 95% bệnh nhân tại bệnh viện hiện nay đều có bảo hiểm y tế nên không bị ảnh hưởng nhiều.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đã có dự thảo về giá trần dịch vụ y tế theo yêu cầu. Trong đó, có quy định rõ về khung giá tối thiểu và tối đa. Do vậy, các bệnh viện dù tự chủ tài chính cũng không thể tùy tiện tăng giá.

Bệnh viện tự quyết trong thu-chi thì chi như thế nào là hợp lý? Nhiều chuyên gia cho rằng, khi bệnh viện tự chủ hoạt động giống như một mô hình doanh nghiệp, một trong những yếu tố tiên quyết để mô hình này vận hành một cách trơn chu, hiệu quả chính là một hành lang pháp lý hoàn chỉnh với chế tài đầy đủ, mạnh mẽ đi kèm với khâu giám sát, hậu kiểm chặt chẽ sẽ hạn chế được những rủi ro tiêu cực nếu có.

Thí điểm tự chủ ở 4 bệnh viện lớn: Nhiều vấn đề cần tháo gỡ Thí điểm tự chủ ở 4 bệnh viện lớn: Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

VTV.vn - 4 bệnh viện lớn nhất Việt Nam chuẩn bị thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện. Tuy nhiên, các bệnh viện cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước