Kết quả kinh doanh Quý I/2020: Cơ hội đầu tư trong sự ảm đạm

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 05/05/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Dịch bệnh đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp niêm yết. Nhóm ngành nào vẫn vượt khó, nhóm ngành nào sẽ tạo ra cơ hội trong Quý II?

Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế Quý I/2020 ở mức -15,9% trong khi quý trước tăng trưởng gần 25%. Thống kê về kết quả kinh doanh được tổng hợp từ 807 doanh nghiệp đã công bố thông tin tương đương với 85% giá trị vốn hóa thị trường. Kết quả không tích cực là điều đã được lường trước. Câu chuyện bây giờ là cùng nhìn nhận nó đang xấu ở mức độ nào.

Dù Việt Nam được đánh giá là một trong những nước kiểm soát dịch tốt nhất nhưng độ mở của nền kinh tế cùng với việc phải giãn cách xã hội khoảng 1 tháng rõ ràng đã ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt như ngành du lịch, giải trí lỗ 2.500 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng lợi nhuận âm tới 257,3%. Tuy nhiên, nhóm dầu khí chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chịu cú đấm kép vừa từ cuộc chiến giá dầu, vừa từ dịch bệnh, dẫn tới tăng trưởng -366,8%.

Với khoảng 2/3 nhóm ngành đều không tăng trưởng mà tổng hòa lại tăng trưởng lợi nhuận chỉ bị -15,9% được đánh giá không quá tệ. Nguyên nhân do 2 nhóm ngân hàng và bất động sản vốn chiếm phân nửa vốn hóa thị trường vẫn duy trì được sức tăng. Tuy nhiên, bản thân 2 trụ cột cũng đang có những vấn đề nhất định.

* Ngân hàng tăng trưởng trái chiều, nợ xấu tiềm ẩn gia tăng

Nếu bỏ 2 nhóm ngân hàng và bất động sản ra để xem xét, tăng trưởng lợi nhuận của tất cả các DN niêm yết đã công bố báo cáo tài chính -43,3%. Đi sâu vào nhóm bất động sản, nếu loại bỏ đi khoản lợi nhuận đột biến 7.500 tỷ đồng của Vinhomes, tăng trưởng của ngành này đang từ 45% lao dốc luôn xuống -38,5%.

Với ngành ngân hàng, hiện có hơn 15 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, trong đó thấy rõ một bức tranh trái ngược trong Quý I. Trong khi các ngân hàng VPBank, VIB, TPBank vẫn giữ được tăng trưởng 18 đến gần 70% thì ở chiều ngược lại, Vietcombank, Kienlongbank lại giảm từ 7 đến 31% lợi nhuận so với cùng kỳ. Theo đại diện các ngân hàng, sự sụt giảm này một phần đến từ các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trong mùa dịch.

Lợi nhuận có thể suy giảm nhưng một mối lo khác lớn không kém với nhóm ngành ngân hàng đó là nợ xấu. Theo Ngân hàng Nhà nước, ước có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19. Số nợ này có thể chưa biến thành nợ xấu nhờ hiệu ứng đóng băng của Thông tư 01, tuy nhiên, nợ tiềm ẩn như nợ nghi ngờ, nợ dưới tiêu chuẩn tăng lên.

Tăng trích lập dự phòng là hoạt động của nhiều ngân hàng để phòng ngừa rủi ro mất vốn. Theo các chuyên gia, với gần 20 ngân hàng đã tuân theo chuẩn Basel 2, hệ thống ngân hàng đã có bộ đệm vững hơn cách đây 12 năm.

Nhìn chung, trong Quý I, ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng khoảng 3,4% nhưng viễn cảnh Quý II còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thu nhập hoạt động của các tổ chức tín dụng năm 2020 sẽ giảm ít nhất là khoảng hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương giảm 20% - 25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu.

Tuy nhiên, sự khó khăn không diễn ra ở tất cả các ngành. Dịch bệnh lại là điều kiện cho nhóm y tế lên ngôi hay xu hướng làm việc từ xa giúp ngành viễn thông hay công nghệ thông tin có lợi nhuận tăng trưởng 14% - 17%.

Lĩnh vực bán lẻ hàng thiết yếu cũng ghi nhận kết quả khả quan. Aau khi về tay của Masan, lỗ của VinCommerce đơn vị sở hữu thương hiệu Vinmart và Vinmart+ trong Quý I/2020 đã giảm một nửa và doanh thu tăng trưởng 40% so với Quý I/2019. Cổ phiếu MSN của Masan cũng đã có mức tăng 20% trong khoảng 1 tháng qua khi doanh thu thuần hợp nhất tăng trưởng 116,1% so với cùng kỳ.

* Tránh "đổ vỏ" khi đầu tư theo kết quả kinh doanh

Trong mùa công bố kết quả kinh doanh, nhìn nhận chính xác về triển vọng của một nhóm ngành, chọn đúng cổ phiếu dẫn dắt đã trở thành một trường phái đầu tư ưa thích. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới, với tâm lý ngắn hạn sẽ cần có sự cân nhắc nhất định nếu không muốn là người đi "đổ vỏ".

Sau thông tin lãi Quý II năm tài chính 2019-2020 gấp 3,7 lần cùng kỳ, thị giá HSG của Tôn Hoa Sen đã tăng 21%. Khủng khiếp hơn là trường hợp của Dabaco khi bão lãi tăng gấp 17 lần cùng kỳ vào 9/4 nhưng từ đó giá cổ phiếu đã tăng 34%. Tuy nhiên, theo thống kê, những trường hợp kể trên là không nhiều.

Nói như vậy không hàm ý về giao dịch nội gián mà thực tế là các thị trường kể cả nước ngoài cũng vậy, có những dòng tiền rất nhanh nhẹn và thông minh, đến lúc tin ra họ bán thì những người chơi ngắn mà tin ra mới mua lại dễ phải đi "đổ vỏ".

Ví như trường hợp của hãng hàng không Vietjet, dù ghi nhận mức doanh thu vận tải hàng không đạt 7.222 tỷ đồng, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước và mức lỗ 989 tỷ đồng, tuy nhiên, giá cổ phiếu 1 tháng qua đã tăng 21% nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng của một doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt. Hay như hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, dù báo lỗ 2.600 tỷ đồng nhưng 1 tháng qua, giá cổ phiếu HVN cũng đã phục hồi từ vùng 17.800 đồng/cổ phiếu lên 26.100 đồng/cổ phiếu.

Ngoài hàng không, nhóm phân bón cũng đang chứng kiến câu chuyện trái ngược là lỗ nặng Quý I nhưng giá cổ phiếu vẫn đang tăng tốt bởi việc giá dầu giảm tạo kỳ vọng giúp chi phí sản xuất phân đạm đỡ tốn rất nhiều để doanh nghiệp bứt phá trong các quý tới. Hay cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng dù có kết quả kinh doanh không ấn tượng nhưng giai đoạn qua cũng hưởng lợi lớn từ kỳ vọng vào làn sóng đầu tư công.

Có thể thấy, cơ hội đầu tư vẫn luôn tồn tại với những nhà đầu tư có tầm nhìn bởi chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng. Vì lẽ đó, trong khi nhiều kênh đầu tư đang rất khó để sinh lời, những chiếc bảng điện tử vẫn đang là nơi để các nhà đầu tư tạo ra lợi nhuận bất chấp bức tranh kết quả kinh doanh ảm đạm trong Quý I, thậm chí được dự báo có phần tiêu cực hơn trong Quý II.

Ngành hàng không lên phương án hoạt động sau giãn cách xã hội Ngành hàng không lên phương án hoạt động sau giãn cách xã hội Bloomberg: Giá dầu có thể rơi xuống -100 USD/thùng Bloomberg: Giá dầu có thể rơi xuống -100 USD/thùng Cổ phiếu dịch vụ y tế, dược phẩm hút dòng tiền và tăng mạnh thời nCoV Cổ phiếu dịch vụ y tế, dược phẩm hút dòng tiền và tăng mạnh thời nCoV

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước