Trong 10 năm qua, ngành cà phê đã đạt được sứ mệnh sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân đứng thứ 2 thế giới. Giai đoạn tiếp theo, toàn ngành cà phê sẽ đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu với tỷ trọng đạt 30 - 40% sản lượng và các thương hiệu mạnh. Đến năm 2030, dự kiến tổng giá trị sản lượng của ngành hàng cà phê là 200% so với hiện nay.
Theo thống kê của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), trong những năm gần đây, sản lượng cà phê không có nhiều thay đổi. Niên vụ 2014 - 2015, sản lượng cà phê của Việt Nam đứng thứ 2, sau Brazil và là nước có sản lượng cà phê robusta lớn nhất thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngành cà phê Việt Nam cần phát triển sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu... để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.
Hiện, cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. (Ảnh minh họa: Dân trí)
"Cà phê nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trong những năm gần đây. Đây cũng là cây trồng quan trọng của người dân khu vực Tây Nguyên khi đóng góp khoảng 30% GDP của khu vực này", ông Đỗ Thắng Hải cho biết.
Với sản lượng xuất khẩu bình quân đạt 1,5 - 1,8 triệu tấn năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong những năm qua đạt trên 3 tỷ USD, cùng với gạo, hạt điều, rau quả, cà phê là mặt hàng có vai trò quan trọng trong rổ các loại nông sản xuất khẩu chủ lực.
Hiện, cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ và Anh và các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Thái Lan… Trong đó, 2 thị trường nhập nhiều cà phê Việt Nam nhất là Đức và Hoa Kỳ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!