Các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam

Diệu Linh-Thứ năm, ngày 07/04/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn - Trong 1 tuần qua, nhiều tổ chức quốc tế đã lần lượt đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Trong đó nỗ lực tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương của Chính phủ Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là một trong những động lực chính giúp phục hồi kinh tế nhanh hơn.

Ngay trong họp báo sáng 6/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam mặc dù nhiều nước phát triển đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

"Việt Nam với dân số 100 triệu dân và tầng lớp thu nhập trung bình cao đang gia tăng nhanh chính là địa điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Những ưu đãi mà Việt Nam được hưởng thông qua các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp họ tiếp cận được với các thị trường xuất khẩu khác", ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á ADB tại Việt Nam, đánh giá.

Các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Gói hỗ trợ kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ tiếp tục kích thích nền kinh tế tăng trưởng. (Ảnh minh họa - Ảnh: VN Media)

Đà tăng trưởng chậm lại ở nhiều nền kinh tế lớn là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu. Tuy nhiên, việc tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương sẽ giúp hạn chế tác động này.

"Việt Nam là nước thành công trong việc cải thiện cán cân thương mại trong thời gian qua. Trong khi các nước khác trong khu vực ít có dịch chuyển hơn. Để tận dụng các cơ hội xuất khẩu mới, doanh nghiệp cần thực hiện cải cách, đặc biệt là về công nghệ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chủ động nắm bắt cơ hội tham gia vào thương mại điện tử toàn cầu để tăng khả năng cạnh tranh hơn nữa", ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, nhận định.

Lạm phát của Việt Nam có dấu hiệu tăng trong quý 1, nhưng lý do chính là bởi giá xăng dầu tăng. Theo dự báo của ADB, lạm phát năm nay của Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát, ở mức 3,8%.

"Hiện tại, lạm phát không phải là một mối lo chính đe dọa nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã triển khai tích cực các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hệ thống tài chính, ngân hàng", bà Sagarika Chandra, Giám đốc Đánh giá tín nhiệm Quốc gia của Fitch Ratings tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ tiếp tục kích thích nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay và năm sau.

Các chuyên gia quốc tế khuyến nghị những biện pháp hỗ trợ như cắt giảm thuế hay giảm lãi suất vốn vay nên được thực hiện nhanh chóng, với thủ tục đơn giản hóa để đảm bảo hiệu quả kịp thời trong việc phục hồi kinh tế.

Kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng Kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng

VTV.vn - Ngân hàng Thế giới đánh giá kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng trong bối cảnh thế giới hiện nay còn nhiều biến động về tài chính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước