Đây là một trong những vấn đề nóng được tranh luận sôi nổi tại buổi tọa đàm giữa các cơ quan chức năng, chuyên gia và các doanh nghiệp về quản lý taxi công nghệ diễn ra sáng 22/3. Dù đã được mời tham gia, nhưng đại diện phía Uber và Grab đều không có mặt tại buổi tọa đàm này.
Mặc dù là đại diện của một hợp tác xã vận tải có hơn 2.000 thành viên đang là đối tác của Grab, nhưng ông Tuấn (Giám đốc HTX giao thông vận tải Toàn cầu) lại không đồng tình với nhiều thông điệp mà Grab đưa ra. Theo ông Tuấn, Grab đang quyết định giá cước, lộ trình của các chuyến xe, còn hợp tác xã không can thiệp được vào bất kỳ hoạt động nào, kể cả quan hệ giữa Grab với các thành viên của hợp tác xã.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc buộc các loại hình ứng dụng công nghệ phải tuân thủ quy định như kinh doanh truyền thống chưa hẳn đã tạo môi trường cạnh tranh công bằng. Các cơ quan quản lý cần xem xét xây dựng những cơ chế quản lý riêng phù hợp với từng mô hình.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, trong dự thảo Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải vừa được Bộ Giao thông gửi Bộ Tư pháp, các quy định để quản lý chặt xe hợp đồng ứng dụng công nghệ cũng đã được bổ sung, nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong thời gian qua.
Sắp tới, dự thảo Nghị định 86 sẽ được Bộ GTVT trình lần thứ 5 lên Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, Nghị định sau khi được Chính phủ thông qua sẽ được ban hành ngay chứ không chờ sửa Luật Giao thông đường bộ, bởi những yêu cầu cấp bách trong việc cần có hành lang pháp lý để quản lý các loại hình kinh doanh vận tải hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!