Thất thu thuế từ thương mại điện tử xuyên biên giới
Nhiều nền tảng thương mại điện tử nước ngoài không đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng vẫn bán hàng cho người dân Việt Nam, gây nhiều rủi ro cho người tiêu dùng Việt Nam nếu mua phải sản phẩm kém chất lượng, chưa kể đến những trường hợp hàng giả, hàng nhái, hàng thiếu về số lượng, không đổi trả được.
Đó là ở góc độ người tiêu dùng, còn ở góc độ quản lý Nhà nước, việc sàn thương mại điện tử nước ngoài hoạt động không phép tại Việt Nam đang vi phạm rất nhiều quy định của pháp luật Việt Nam như luật thương mại, luật cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật công nghệ thông tin và luật quản lý thuế... Cơ quan thuế đang thất thu số tiền lớn nộp thuế từ các sàn thương mại điện tử nước ngoài khi các nền tảng này đã phát sinh doanh thu rất lớn tại Việt Nam.
Trung bình mỗi tháng, cửa hàng trực tiếp và cả trực tuyến của của chị Linh tiêu thụ từ 1.000-3.000 sản phẩm quần áo thời trang thiết kế. Bên cạnh việc đầu tư chi phí thiết kế, cửa hàng, nhân viên, chị cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước.
Chị Chu Phương Linh - Sáng lập Thời trang LINN Design cho biết: “Mình vẫn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế của cửa hàng, doanh nghiệp Việt Nam rơi vào khoảng 8-12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mình thấy các sàn thương mại điện tử vẫn chưa đăng ký với Bộ Công thương, họ sẽ có môi trường cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước".
Với quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam như năm ngoái đạt trên 20,5 tỷ USD, bằng 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước thì việc đảm bảo thu thuế đầy đủ, chính xác, không bỏ sót có ý nghĩa rất quan trọng.
Thực hiện Đề án 06 và Chỉ thị 18 của Chính phủ về tăng cường chia sẻ dữ liệu để quản lý thuế thương mại điện tử, thời gian vừa qua, Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan đã thống kê được trên 900 website và 300 nền tảng thương mại điện tử kinh doanh tại Việt Nam. Từ đó, hiệu quả thu thuế thương mại điện tử và ngân sách đã tăng lên, đạt trên 97.000 tỷ đồng, tăng 16% trong năm ngoái. Tuy nhiên, đối với các nền tảng thương mại điện tử chưa đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, việc thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ các pháp luật của Việt Nam vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nhận định: “Về nguyên tắc, hoạt động trên thương mại điện tử tại nước sở tại phải được cấp phép hoạt động. Phát sinh doanh thu và các nghĩa vụ thuế thì dù chưa cấp phép hoạt động nhưng vẫn phải kê khai nộp thuế tại Việt Nam. Nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam họ phải tự khai, tự tính, tự nộp, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Mỗi sàn thương mại điện tử lại có đến hàng triệu gian hàng. Nguy cơ thất thu thuế không chỉ từ chủ sàn, mà còn cả các chủ gian hàng này.
Bà Đào Thị Liên - Luật sư điều hành Công ty Luật Tiền Phong, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận định: “Các nhà cung cấp hàng hoá trên sàn, hiện nay họ chỉ chịu trách nhiệm đi kê khai với cơ quan quản lý thuế và chịu trách nhiệm về tính trung thực đối với dữ liệu mình kê khai và nộp thuế trên cơ sở đó. Vì vậy, công tác kiểm soát, chống thất thu thuế thực sự chưa hiệu quả".
Tổng doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam ước tính sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025, đặt ra yêu cầu về quản lý thuế và quản lý về chất lượng hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử để tránh thất thoát nguồn thuế lớn này.
Tổng doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam ước tính sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025
Khó cạnh tranh khi hàng ngoại giá rẻ
Bên cạnh việc chưa đăng ký hoạt động và thực hiện nghĩa vụ thuế của các sàn, hiện tại, hàng hoá qua thương mại điện tử nước ngoài hầu hết giao dịch hàng hoá với giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng, được miễn thuế theo Quyết định 78/2010. Doanh nghiệp, tiểu thương Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh được với hàng ngoại, nếu như các chi phí đầu vào của họ đều quá thấp lại còn được nhiều ưu đãi.
Cùng một mẫu quần tương tự, tuy nhiên, sàn thương mại điện tử nước ngoài đang bán giá chỉ chưa đầy 300.000 đồng. Trong khi cửa hàng này chỉ khi khuyến mãi cuối mùa mới có thể bán được giá này, vì chi phí thường xuyên như thuê cửa hàng, nhân viên khá lớn, do đó, không thể thường xuyên giảm giá.
Chị Đinh Thu Phương - Quản lý Cửa hàng Thời trang Queenky chia sẻ: "Các sàn thương mại điện tử lan tràn vào, có chiến dịch giảm giá sâu, họ không cần phải mất chi phí thuê mặt bằng, nhân viên, họ chỉ cần đăng lên với mức giá rẻ".
Còn với nhãn hàng của chị Linh, tự thiết kế, đặt gia công sản xuất, chị cho biết chi phí tối thiểu để sản xuất ra một mẫu áo khoác không thể dưới 700.000 đồng, vậy mà có những trang thương mại điện tử đang bán sản phẩm tương tự giá thấp hơn nhiều.
Chị Chu Phương Linh - Sáng lập Thời trang LINN Design cho biết thêm: "Người tiêu dùng sẽ nhìn giá trước khi trải nghiệm sản phẩm. Mình đã trải nghiệm rất nhiều sản phẩm trên các sàn nước ngoài, có một số sản phẩm chất lượng rất tốt, giá thành hợp lý, nhưng có sản phẩm so với sản phẩm trong nước giá đắt hơn, chất lượng chưa phù hợp".
Các trang thương mại điện tử nước ngoài còn thường quảng cáo giảm giá sâu lên đến 90%. Và có hai tình huống vi phạm: thứ nhất, thổi giá cao lên rồi giảm giá bán, thực tế không rẻ; thứ hai, trang thương mại điện tử vi phạm luật cạnh tranh khi giảm giá sốc để chiếm lĩnh thị phần, ảnh hưởng nền sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Phan Anh - Giảng viên Khoa Thương mại điện tử và Hệ thống thông tin kinh tế, Đại học Thương mại nêu nhận định: "Các đơn vị thực hiện chương trình giảm giá sâu có thể là đã vi phạm về luật cạnh tranh, bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất hoặc trợ giá rất lớn để xâm chiếm vào một thị trường mới xâm nhập thì sẽ gây ra tác động rất lớn với thị trường nội địa".
Giờ đây, không chỉ người tiêu dùng, mà cả một nền sản xuất, gia công nội địa của Việt Nam và những người bán hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam cũng cần được bảo vệ trong làn sóng cạnh tranh giá rẻ này.
Trong bối cảnh quốc tế, các nền tảng thương mại điện tử cũng đang chịu áp lực từ các quốc gia khác về tuân thủ pháp lý và chất lượng sản phẩm. Việc đăng ký và tuân thủ các yêu cầu tại Việt Nam là điều cần thiết để đảm bảo môi trường thương mại điện tử công bằng, minh bạch và có trách nhiệm. Bộ Công thương đã liên hệ và làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam để yêu cầu các nền tảng này thực hiện các bước đăng ký chính thức và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nêu ý kiến: "Trong thời gian tới sẽ tiến hành có biện pháp để ngăn chặn các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đã hoạt động tại Việt Nam trong thời gian lâu, đã qua nhiều lần nhắc nhở mà chưa đăng ký với Bộ Công thương. Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành giám sát, quản lý các hàng hoá, các kho hàng của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam nếu có. Bộ Công thương cũng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra các sàn thương mại điện tử liên quan đến các hình thức khuyến mại chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam".
Với những sàn thương mại điện tử không tuân thủ pháp luật, đơn vị quản lý chuyên ngành là Bộ Công thương có thể phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông áp dụng các biện pháp ngăn chặn, không xuất hiện tên miền website, không cho phép tiếp cận người tiêu dùng tại Việt Nam. Ngay tại Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã cho biết, việc miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa giá trị nhỏ được thực hiện theo cam kết quốc tế tại Công ước Tokyo mà Việt Nam tham gia, được cụ thể hóa tại Quyết định 78 năm 2010. Tuy nhiên, hiện nay, các quốc gia khác đã bãi bỏ quy định này. Vì vậy, về phía Chính phủ sẽ bãi bỏ Quyết định 78 và đã đưa vào quy định tại dự luật quy định đối với hàng hóa giá trị nhỏ đều phải nộp thuế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!