Ngân hàng Nhà nước cần tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đây là chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính Phủ đối với ngành ngân hàng, tại Công điện số 135 về việc tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng.
Tính đến giữa tháng 12, tín dụng đã tăng khoảng 12,5%, đạt khoảng 15,3 triệu tỷ đồng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên.
Biểu đồ cơ cấu tín dụng với các lĩnh vực. Có thể mảng màu xanh là cho vay nông nghiệp nông thôn đang chiếm tỷ trọng cao nhất, là 23,7% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Màu đỏ là vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 17,5%. Màu vàng là cho vay nhu cầu tiêu dùng, phục vụ đời sống cũng chiếm hơn 21,3% tổng dư nợ.
Điểm đáng chú ý là nếu xét theo mức độ tăng, thì nhiều lĩnh vực đang có mức tăng cao hơn bình quân. Tính đến cuối tháng 10, cho vay công nghiệp hỗ trợ tăng 21%, trong khi cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 29%. Dòng vốn đang có xu hướng chảy mạnh hơn vào sản xuất kinh doanh, và cho những doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên.
Chiếc máy soi thực phẩm, bất kì dị vật nào trên sản phẩm, dù là miếng kim loại nhỏ 1mm đều bị phát hiện ra và máy sẽ tự động dừng lại, nhờ vậy mà doanh nghiệp có thể đảm bảo 100% sản phẩm không có dị vật để xuất khẩu vào thị trường khó tính.
Để đầu tư hệ thống dây chuyền chế biến rau quả thực phẩm hiện đại, doanh nghiệp phải mất vài chục tỷ đồng. Nhưng đổi lại, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng lên nhiều lần. 90% Sản phẩm của doanh nghiệp đã được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Doveco cho hay: "Lãi suất giảm được khoảng 1%, rất thuận lợi để công ty có điều kiện sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Ngân hàng đi cùng thuyền với chúng tôi, hiểu biết được sản xuất, chế biến nông nghiệp và hỗ trợ chúng tôi những lúc khó khăn" .
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã phải nới hạn mức tín dụng lần 2 cho các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng trên 80% chỉ tiêu được giao. Việc này nhằm đảm bảo nguồn vốn sẽ được cho vay ra đúng hướng, vào đúng những lĩnh vực cần vốn. Quan trọng hơn là tránh tình trạng cho vay ồ ạt mà không kiểm soát được chất lượng khoản vay.
"Nhu cầu tín dụng chắc chắn sẽ có tăng trưởng cao hơn. Các doanh nghiệp cũng đang phải hoàn thành các công nợ trong năm. Rồi đơn hàng quốc tế cũng tăng dần lên, và các doanh nghiệp hiện nay tinh thần rất phấn khởi và đã có nhiều đơn hàng", ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho hay: "Lãi suất rất tốt, lãi suất đang thấp, cùng với cái room tín dụng được mở rộng và nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao vào dịp cuối năm. Những chuyển biến tích cực từ hoạt động du lịch, thương mại và dịch vụ thì 2 yếu tố này, vừa chính sách, vừa môi trường sẽ tác động trực tiếp tới tăng trưởng tín dụng, và tăng trưởng tín dụng tháng cuối năm ở mức tốt nhất".
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của cả năm nay, ước tính sẽ có khoảng 300.000 tỷ đồng vốn được cho vay ra trong nửa cuối tháng 12.
Ngân hàng đẩy mạnh cho vay theo dòng tiền
Nhu cầu vốn cuối năm cao hơn, các ngân hàng cũng cho vay ra nhiều hơn.
Số liệu đang cho thấy nhu cầu vốn cuối năm cao hơn, các ngân hàng cũng cho vay ra nhiều hơn. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp chia sẻ là họ vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn nếu như không có sổ đỏ đem đi thế chấp.
Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ bất động sản thế chấp, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ, nhà xưởng lại đi thuê. Chính vì vậy mà các ngân hàng cũng khá linh hoạt, không yêu cầu phải thế chấp sổ đỏ mới cho vay vốn. Tuy nhiên, ngân hàng cũng không thể cho vay mà không có gì đảm bảo, lỡ như doanh nghiệp không trả được, nợ xấu lại tăng cao. Để hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và ngân hàng, thì giải pháp cho vay theo dòng tiền, hay đơn hàng đầu ra, đã được nhiều ngân hàng triển khai.
Những tấm gỗ đã được doanh nghiệp nhập về để chuẩn bị sản xuất đơn hàng. Vì chuyên nhận các dự án lớn nên doanh nghiệp phải ra vài trăm tới cả tỷ đồng để mua trước nguyên liệu. Đáng chú ý là giờ họ không phải thế chấp nhà cửa, mà có thể vay tín chấp từ ngân hàng.
Thay vì yêu cầu thế chấp tài sản, ngân hàng sẽ xem xét giá trị hợp đồng đầu ra của doanh nghiệp, và doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh những năm trước, để tính toán khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra hạn mức cho vay.
"Gói cho vay là vay tín chấp bảo lãnh giúp doanh nghiệp có vốn lưu động khá tốt để các doanh nghiệp vừa và nhỏ chạy được dự án suôn sẻ mà không phải xoay vòng vốn nhiều hơn", ông Nguyễn Xuân Nam - Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và nội thất Top Space chia sẻ.
Để cho vay mà không có bất động sản thế chấp, đòi hỏi các ngân hàng sẽ phải làm việc rất sát với doanh nghiệp về kế hoạch kinh doanh. Họ sẽ thường yêu cầu doanh nghiệp chuyển tài khoản giao dịch về ngân hàng mình để họ có thể quản lý dòng tiền ra - vào của doanh nghiệp.
Để hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và ngân hàng, thì giải pháp cho vay theo dòng tiền, hay đơn hàng đầu ra, đã được nhiều ngân hàng triển khai.
Ông Nguyễn Cảnh Hùng - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp SeABank cho hay: "Chúng tôi phải am hiểu hoạt động kinh doanh của khách, 1 trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là tài sản bảo đảm. Khi chúng tôi thiết kế sản phẩm, chẳng hạn sản phẩm tài trợ doanh nghiệp thi công xây lắp thì chỉ cần doanh nghiệp kí hợp đồng, thì chúng tôi cho vay ngay. Như vậy doanh nghiệp không cần bất cứ một tài sản bảo đảm khác như bất động sản bên ngoài hay tiền gửi đưa vào thì rất thuận tiên cho doanh nghiệp".
"Dòng tiền ra - vào của mỗi cá nhân, doanh nghiệp sẽ phản ánh tính chất hoạt động kinh doanh, và nguồn vốn của khách hàng để đảm bảo sự minh bạch rõ ràng trong việc sử dụng vốn cũng như việc chứng minh hoạt động của khách hàng đối với ngân hàng", ông Đặng Quang Anh - Giám đốc BVBank chi nhánh Thủ đô chia sẻ.
Cho vay tín chấp thường rủi ro hơn. Vì thế, mức lãi suất của các khoản vay này cũng cao hơn. Và nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu phát sinh, các ngân hàng cũng áp dụng công nghệ, phân tích dữ liệu lớn, để xếp hạng sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra quyết định cho vay.
Song song với đẩy mạnh cho vay, trong công điện mới ban hành, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định. Do đó, đòi hỏi các ngân hàng phải nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, theo đúng tinh thần chỉ đạo là không để ách tắc, chậm trễ, hay tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!