Châu Âu một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng khi nguồn dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng trong bối cảnh thời tiết đang dần chuyển sang Đông cùng với nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga.
Tuần trước, Công ty năng lượng Gazprom của Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Áo - thị trường xuất khẩu khí đốt lớn cuối cùng của Nga ở châu Âu. Như vậy Nga hiện chỉ còn hai bạn hàng khí đốt tại khu vực này là Hungary và Slovakia.
Tuy nhiên, nguồn cung khí đốt này dự kiến sẽ chấm dứt hoàn toàn từ cuối tháng 12 tới khi Ukraine thông báo không cho phép nhập khẩu khí đốt vào châu Âu qua đường ống của nước này. Ngay lập tức hợp đồng khí đốt tại sàn Rotterdam tăng vọt lên 48 Euro/MWh, mức cao nhất trong một năm qua. Tính từ đầu năm, nhiên liệu này tăng tới 45%.
Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Chúng ta vẫn nhập rất nhiều LNG từ Nga và tại sao không thay thế bằng LNG của Mỹ, rẻ hơn và giúp giảm giá năng lượng của chúng ta. Đó là điều mà chúng ta có thể thảo luận".
Bên cạnh đó, giá khí đốt tại châu Âu tăng một phần do điều kiện bất lợi đối với năng lượng tái tạo. Tháng 11 năm nay chứng kiến sự thiếu hụt ánh sáng mặt trời và gió yếu, dẫn đến giảm sản lượng điện gió.
Cơ quan quản lý mạng điện Bỉ xác nhận, sản lượng điện gió trong 10 ngày đầu tháng 11 gần như bằng không, khiến các nhà máy điện chạy bằng khí đốt phải được huy động để bù đắp cho thiếu hụt năng lượng tái tạo.
Tại Đức, việc dự trữ khí đốt giảm nhanh hơn còn phát đi những tín hiệu đáng lo ngại rằng căng thẳng đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể sẽ còn kéo dài trong năm thứ ba liên tiếp.
Các chuyên gia đánh giá, việc giá khí đốt tăng cao có thể khiến tăng áp lực cho người tiêu dùng và doanh nghiệp khu vực. Năng lượng hạt nhân có thể được xem như một giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng đối với các quốc gia châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!