Saudi Arabia là thị trường lớn và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại Trung Đông. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước thời gian qua phát triển rất tích cực.
Thị trường Saudi Arabia có nhu cầu rất lớn đối với nông sản, thủy sản và thực phẩm Halal. Điều này giúp Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Các sản phẩm từ Việt Nam như gạo, tiêu và hải sản đã và đang được tiêu thụ mạnh tại đây.
Với nhu cầu về nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp và vật liệu xây dựng tăng cao, đây cũng là một thị trường lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tính đến hết quý III năm nay, tổng trao đổi thương mại song phương đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó Việt Nam xuất khẩu xấp xỉ 1,18 tỷ USD và nhập khẩu trên 1 tỷ USD từ thị trường này.
Từ thị trường nước sở tại, Bí thư thứ nhất, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia Trần Trọng Kim cho biết: Thị trường Saudi Arabia có nhu cầu nhập khẩu lượng hàng lớn nông sản, rau và quả tươi, trong đó có gạo. Hàng năm Saudi Arabia nhập khoảng 1,7 triệu tấn gạo, nhưng hiện nay, mỗi năm Việt Nam chỉ mới xuất khẩu khoảng 35,000 tấn gạo vào thị trường này, do đó, tiềm năng thị trường còn rất lớn. Chưa kể, các doanh nghiệp Saudi Arabia muốn nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam không phải qua bên thứ ba để giảm chi phí, giá thành.
Cùng với gạo, Saudi Arabia cũng tiêu thụ rất nhiều loại rau, củ, quả tươi được nhập khẩu từ các nước như: Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Australia, Jordan, Yemen, một phần nhỏ từ Việt Nam (như: chanh leo, chanh không hạt, bưởi da xanh, thanh long, ổi, dừa tươi, mỳ gói...)... Những mặt hàng này chủ yếu xuất qua đường Cargo hàng không.
Ngoài ra, người tiêu dùng tại Saudi Arabia cũng ưa chuộng các loại cà phê, hạt, gia vị, hải sản tươi (như tôm, cá, mực và cá ngừ đóng hộp)... từ thị trường Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!