Trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị nông sản 5 - 7%/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá, tốc độ này vẫn là chưa tương xứng với tiềm năng. Điều đáng mừng là từ 2 năm nay, đã có nhiều dòng vốn đổ vào lĩnh vực chế biến nông sản với khoảng 30 dự án. Đây sẽ là cơ sở để năm 2020 nông sản Việt có những thay đổi lớn về giá trị.
Hạt tiêu từ chỗ là con số 0 về chế biến, nay đã có nhiều doanh nghiệp tham gia. Từ tiêu đen, tiêu trắng xuất khẩu, hiện Việt Nam đã có thể sản xuất ra tinh dầu, nhựa tiêu và piorin từ tiêu phục vụ cho nhiều ngành khác như mỹ phẩm, dược phẩm. Tinh dầu tiêu tại thị trường Mỹ hiện có giá tới 1.000 USD/lít.
Cà phê Việt cũng đang có những chuyển động mới với cà phê đặc sản. Đó là loại cà phê cao cấp dựa trên quy trình trồng thu hái và chế biến sạch, giữ hương vị tự nhiên của từng vùng. Sau 5 năm sát cánh cùng người dân Sơn La, Điện Biên, A Lưới, Khe Sanh, Đà Lạt, Pleiku và Măng Đen, Nguyễn Hữu Long đã tạo ra loại cà phê bán trong nước cũng có giá khoảng 200.000 đồng/ly. Dự kiến tháng 5, tháng 6 năm nay, những sản phẩm cà phê có giá chục triệu đồng/kg cũng sẽ ra mắt.
Chế biến sâu đang tạo ra những dư địa rất lớn cho nông sản Việt. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện công suất chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm với trên 7.500 doanh nghiệp. Trong đó gỗ, thủy sản, lúa gạo, điều, cà phê là những lĩnh vực có tỷ lệ chế biến cao.
Hiện, nhiều giải pháp đang được tập trung cho những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất chế biến như cá da trơn, cà phê chất lượng cao, nấm dược liệu và sâm. Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới với các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,… vì vậy, chế biến sâu càng đòi hỏi là một yêu cầu bức thiết để tăng khả năng cạnh tranh. Mục tiêu mà nghị quyết 53 của Chính phủ đặt ra đó là đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới.
Trên cơ sở mục tiêu này, sáng mai (21/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến "Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp". Đây cũng là dịp đánh giá thực trạng và có những giải pháp mạnh để thu hút đầu tư vào chế biến sâu nông sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!