Cuộc chiến lạm phát chưa có hồi kết, FED còn tăng lãi suất?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 06/05/2023 14:40 GMT+7

VTV.vn - Hạ lãi suất là chuyện khá xa vời vào thời điểm này, nhưng ai cũng hiểu rằng, FED khó có thể tăng lãi suất tiếp khi GDP quý I đã bắt đầu suy giảm.

Từ mức 0 - 0,25% hồi tháng 3/2022, hiện lãi suất của FED ở mức 5 - 5,25%. Đây là mức cao nhất trong gần 16 năm qua, gây áp lực lớn lên chi phí đi vay, rộng ra là hoạt động kinh tế cũng như một loạt những sức ép lên ngành nghề khác.

Tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell ẩn ý rằng sẽ có một sự thay đổi lớn và cho thấy rằng "FED không còn kỳ vọng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, mà phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới". Vậy dữ liệu ông Powell nhắc tới là gì? FED có đang phát đi thông điệp ngừng tăng lãi suất hay thậm chí có thể có những đợt giảm lãi suất trong năm nay. Liệu đã là lần cuối?

Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - một chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn RSM - công ty chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán, kế toán và tư vấn kinh doanh, top đầu toàn cầu trong số các tập đoàn kiểm toán và kế toán (RSM có các công ty thành viên tại 120 quốc gia, trong đó có Việt Nam) về những vấn đề trên.

Cuộc chiến lạm phát chưa có hồi kết, FED còn tăng lãi suất? - Ảnh 1.

Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: Reuters)

Dữ liệu nào quyết định FED tăng hay giảm lãi suất?

"FED thường tập trung vào dữ liệu việc làm và lạm phát. Đối với lạm phát, chỉ số lạm phát PCE lõi, không bao gồm thực phẩm, năng lượng và nhà ở… là thước đo lạm phát ưa thích của FED. Chỉ số này dù giảm nhẹ xuống 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn cao gấp 2,5 lần mức lạm phát mục tiêu đề ra. Đối với dữ liệu việc làm, tăng trưởng tiền lương và nhu cầu lao động là 2 chỉ báo quan trọng.

Hiện 1 lao động thấy nghiệp có tới 1,6 cơ hội việc làm, cao hơn tỷ lệ trung bình trước đại dịch chỉ là 1,2 cơ hội việc làm. Do vậy để thu hút lao động, doanh nghiệp phải tăng lương. Hệ quả là chỉ số chi phí việc làm hay tăng trưởng tiền lương quý I/2023 tăng tới 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là điều mà FED không muốn.

Do vậy nếu lạm phát vẫn cao, số lượng việc làm mới vẫn lớn và lương vẫn tăng từ nay đến trước cuộc họp chính sách vào tháng 6 tới, việc FED còn tăng lãi suất sẽ vẫn được tính tới", Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Tập đoàn RSM tại Mỹ, cho biết.

Kinh tế Mỹ có suy thoái?

"Chúng tôi cho rằng có 75% khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, có thể là vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên theo ước tính của chúng tôi, đó có thể sẽ là một cuộc suy thoái nhẹ, không giống như những gì diễn ra vào năm 2008 hoặc 2020 với đại dịch.

Cuộc suy thoái này sẽ chỉ bắt đầu khi thị trường lao động rạn nứt dưới áp lực về tỷ lệ thất nghiệp và mất việc làm tăng. Trong dự báo gần đây nhất, FED cho biết tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4,5% vào cuối năm nay từ mức 3,5% hiện tại. Điều đó sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong chi tiêu, vốn không thay đổi kể từ tháng 2.

Tuy nhiên với khoảng 1.000 tỷ USD tiền tiết kiệm dư thừa, chủ yếu còn lại từ các gói giải cứu đại dịch, tăng trưởng thu nhập ổn định và thị trường lao động mạnh, kinh tế Mỹ vẫn sẽ duy trì hoạt động cho đến quý 3 của năm.

Hãy nhớ rằng người Mỹ sẽ không ngừng chi tiêu vì họ dự đoán suy thoái kinh tế, họ sẽ chỉ ngừng chi tiêu khi buộc phải làm vậy", Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Tập đoàn RSM tại Mỹ, cho biết thêm.

FED và những kinh nghiệm từ lịch sử

Có thể thấy như vị chuyên gia chia sẻ, hy vọng giảm lãi suất sẽ chưa xuất hiện từ nay đến cuối năm và Mỹ sẽ dần cảm nhận rõ hơn việc kinh tế giảm tốc thông qua việc nhiều người mất việc hơn.

Phố Wall thường nói vui rằng thị trường cần vài ngày để "tiêu hóa" hết những từ ngữ sau cuộc họp báo của Chủ tịch FED. Do vậy sắc đỏ phần lớn được ghi nhận mỗi lần sau khi FED tăng lãi suất trong hơn 1 năm qua.

Thống kê cũng cho thấy, kể từ giai đoạn cuối cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 tới nay, chưa khi nào FED tăng lãi suất với tốc độ nhanh và mạnh như vậy. Những lần tăng sát mức như vậy đều khiến kinh tế Mỹ gần rơi vào suy thoái, thị trường chứng khoán lao dốc.

Vẫn như mọi khi, Chủ tịch FED luôn xuất hiện trong dáng vẻ điềm tĩnh và nghiêm nghị. Bởi ông và FED đang phải đối diện với cuộc chiến lạm phát chưa biết hồi kết. Trong khi nhà đầu tư luôn háo hức, mong chờ ông nói rõ đây là lần tăng cuối và sẽ sớm hạ lãi suất, nhưng điều đó không dễ.

"Thông báo của FED đúng như dự đoán, không có gì ngạc nhiên. Họ tăng 0,25 điểm %. Bạn có thể tranh luận liệu họ có nên làm thế không? Nhưng từ quan điểm thị trường, họ đang đi theo con đường rất thận trọng, đặc biệt khi không muốn thị trường quá phấn khích. Từ lâu, thị trường mong mỏi FED hạ lãi suất, nhưng FED vẫn kiên quyết rằng họ chưa làm được", bà Carol Schleif, CEO của Quỹ BMO Family Office, đánh giá.

Hạ lãi suất là chuyện khá xa vời vào thời điểm này, nhưng ai cũng hiểu rằng, FED khó có thể tăng lãi suất tiếp khi GDP quý I đã bắt đầu suy giảm. Còn lịch sử đang chống lại họ.

Trang lịch sử về FED vẫn còn lưu giữ bài viết về cuộc suy thoái những năm đầu thập niên 80. Bài viết thừa nhận, suy thoái kinh tế Mỹ khi đó "bắt nguồn từ chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm chống lạm phát tăng cao".

Chủ tịch FED, khi đó là ông Paul Volcker, nổi tiếng với bức hình gần như "chịu thua" trước đối thủ "lạm phát".

"FED sẽ phải xem xét tình hình kinh tế diễn biến ra sao, giống như giai đoạn cuối những năm 70, đầu 80. Chính chủ tịch FED ông Powell thừa nhận là không muốn lặp lại kịch bản xấu này. Vì vậy, khả năng rất cao đây là lần tăng lãi suất cuối trong chu kỳ của FED. Nhưng chúng ta vẫn phải chờ đến khoảng quý I năm sau mới có thể thấy lần hạ lãi suất đầu tiên", ông Sam Stovall, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược, Công ty CFRA, Mỹ, nhận định.

FED vẫn thận trọng cho rằng, các quyết định của họ sẽ dựa trên cơ sở dữ liệu kinh tế trước từng cuộc họp. Họ đã thực hiện theo đúng điều này.

Dựa trên những dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ và cả lạm phát, công cụ theo dõi FED của CME cho thấy các nhà đầu tư Phố Wall đang nghiêng về phương án FED sẽ chấm dứt chuỗi tăng lãi suất liên tiếp trong cuộc họp kết thúc vào 14/6 tới. Khả năng ngừng tăng này hiện đang lên tới 92,6%.

Gần đây, các quan chức FED phát đi các tín hiệu bất đồng ngày càng tăng đối với triển vọng chính sách. Một số quan chức FED kêu gọi thận trọng hơn về việc tăng lãi suất do tác động tới chi phí đi vay của cá nhân và doanh nghiệp Mỹ. Trong khi đó, những quan chức khác lại lo ngại việc dừng tăng lãi suất sớm có thể khiến lạm phát kỳ vọng tiếp tục mạnh lên.

FED tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm'? FED tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm"?

VTV.vn - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang phải "đau đầu" với nhiều biến số khó lường từ các số liệu vĩ mô cũng như diễn biến trong lĩnh vực tài chính Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước