Nhận định về sản lượng thịt cung cấp ra thị trường vào cuối năm tại tại cuộc làm việc với UBND TP. Hải Phòng ngày 7/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường cho hay: "Năm nay, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu 14,5 triệu tấn thực phẩm. Trong đó, 5,8 triệu tấn thịt các loại còn lại là thủy sản. Riêng mặt hàng thịt lợn, quý 4 năm nay sẽ đạt số lượng bằng trước khi xảy ra dịch, khi đó, sẽ trở về trạng thái cung cầu bình thường".
Đủ thịt nhưng sẽ có mặt bằng giá mới
Lợn giống hạt nhân (cụ kị, ông bà) cả nước đạt 120.000 con, đàn nái bố mẹ, hậu bị đạt 2,89 triệu con là mức tăng rất cao sau dịch tả lợn châu Phi. Dự kiến, công suất sản xuất lợn giống phục vụ sản xuất thịt quý 4 năm nay sẽ đạt tới 11 triệu con.
Dự kiến nếu tái đàn thành công, cuối năm nay, tổng đàn lợn sẽ tương đương trước khi có dịch.
Tuy nhiên, giá cả sẽ do nhiều yếu tố quyết định như giá lợn giống, giá thức ăn chăn nuôi và tạo một mặt bằng giá mới. Dù vậy, thị trường sẽ đạt được mức cân đối để người sản xuất vẫn có lãi và người tiêu dùng vẫn chấp nhận được giá.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đã thực hiện tổng hợp nhiều giải pháp như nhập khẩu thịt lợn và gần đây là nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Tuy nhiên, đó là những giải pháp tình thế, về lâu dài vẫn phải phát triển đàn lợn trong nước.
Tốc độ tăng đàn lợn nái đang rất cao, đạt 2,8 triệu con
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, hầu hết các đàn lợn giống đều nằm trong khu vực chăn nuôi lớn. Vì vậy, để đẩy nhanh tốc độ tái đàn cả trong các hợp tác xã và nông hộ nhỏ, các doanh nghiệp các trang trại lớn cần đẩy mạnh phát triển đàn lợn giống, bán lợn giống cho các nông hộ.
Ngoài ra, cũng cần hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi sau khi thiệt hại nặng bởi dịch bệnh. Bộ trưởng khẳng định, công tác tái đàn, tăng đàn trên cả nước đang tiến triển tốt.
Công tác tái đàn, tăng đàn trên cả nước đang tiến triển tốt.
"Yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp tập trung các nhóm giải pháp kỹ thuật, đảm bảo hệ số sinh sản của đàn lợn. Cố gắng khuyến khích các doanh nghiệp bán lợn giống đưa các hộ, trang trại quy mô vừa và nhỏ có điều kiện tiếp cận. Nếu chỉ có 1 phương thức sinh sản ra con giống sau này nuôi đến lợn hậu bị như hiện nay, người chăn nuôi sẽ phải chi phí rất nhiều. Điều này sẽ khó đáp ứng nhanh ở khu vực tái đàn trên diện rộng", Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cũng nêu ra một số vấn đề về tái đàn ở khu vực nhỏ lẻ. Các hộ dân không đủ khả năng tự cân đối nên cần mua ngoài trong khi mức giá vẫn còn cao, dù đã giảm từ 4 triệu đồng xuống 3 triệu đồng/con.
Một vấn đề quan trọng nữa là tín dụng, theo Bộ trưởng, sau khi xảy ra dịch, kinh tế bị tổn thương, thiệt hại nên nhà nông gặp khó khăn trong vốn đầu tư tái đàn.
Bên cạnh đó phải cân đối được thị trường, không để xảy ra tình trạng trượt từ thiếu sang thừa và phát triển đa dạng, cân đối các nhóm sản phẩm của người chăn nuôi từ đại gia súc, cho đến gia cầm, thủy sản phục vụ nhu cầu cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Cần bảo đảm an toàn sinh học song song với quá trình nhân giống để đảm bảo chất lượng tái đàn.
Bộ trưởng nhấn mạnh đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi là yếu tố quyết định với tái đàn và phải thực hiện song song với tổ chức nhân giống. Điều đáng nói là các đơn vị chăn nuôi lớn thực hiện điều này khá tốt trong khi các nhóm quy mô nhỏ lẻ lại chưa được chú trọng. Do đó, hệ thống thú y, khuyến nông... cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn bà con.
"Cùng với việc tăng đàn, an toàn sinh học là biện pháp số một để vừa đủ sản lượng vừa đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi. Từ đó, đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh nhưng bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!