Nội dung chính của hội nghị là đánh giá và phân tích, tìm ra những tồn tại của Thông tư 35 quy định tạm thời về nghề nuôi chim yến trong nhà cũng như đề xuất giải pháp để quản lý nghề nuôi chim yến tốt hơn, góp phần xây dựng Luật Chăn nuôi mang tính thực tiễn.
Trong số 36 tỉnh, thành trên cả nước tổ chức xây nhà để dẫn dụ chim yến, khu vực các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ có số nhà yến phát triển với tốc độ mạnh hơn rất nhiều so với các khu vực khác. Tuy nhiên, phần lớn số nhà dẫn dụ yến được xây dựng hiện nay ở các địa phương chủ yếu mang tính tự phát. Thực tế này khiến nghề nuôi chim yến trong nhà đối mặt với nhiều tiềm ẩn rủi ro như dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
Đến thời điểm này, cả nước có hơn 5.000 nhà dẫn dụ chim yến, với gần 216.000 con. Trước khi có Thông tư 35 của Bộ NN&PTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến số nhà dẫn dụ chim yến còn rải rác nhưng từ năm 2013 đến nay, số lượng nhà nuôi chim yến đã tăng lên nhanh. Một số địa phương như: Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận… số nhà dẫn dụ chim yến được xây mới nhiều năm tăng gấp đôi gấp ba. Nghề nuôi chim yến cũng đã mang lại doanh thu lớn cho các hộ chăn nuôi.
Tuy nhiên, do Thông tư 35 chưa quy định vị trí nhà nuôi chim yến nên trên 90% nhà nuôi nằm xen kẽ khu dân cư. Thông tư cũng chưa có hướng dẫn kiểm tra đánh giá, chế tài xử lý khi có hành vi phạm.
Tại hội nghị lần này, nhiều ý kiến đề xuất đã được ghi nhận như việc đưa ra một quy hoạch chung cho nghề nuôi chim yến. Vấn đề quan tâm hơn cả là việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chim yến nuôi bởi điều này sẽ giúp tạo ra những sản phẩn an toàn cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ các địa phương đào tạo cán bộ kỹ thuật quản lý nuôi chim yến, xây dựng và bảo vệ thương hiệu quốc gia yến sào Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!