Việt Nam vẫn bị xếp trong nhóm thị trường cận biên
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hiện nay, trong số các tổ chức xếp hạng thị trường mà tiêu biểu là MSCI và FTSE Russel thì MSCI vẫn xếp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên, trong khi đó FTSE Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Theo bộ tiêu chí FTSE Russell (cập nhật tháng 9/2020), thị trường chứng khoán Việt Nam thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng. Tiêu chí "Chu kỳ thanh toán-DvP" bị đánh giá "Hạn chế" do nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh và tiêu chí "Thanh toán - Tỷ lệ hiếm khi giao dịch thất bại" không được đánh giá do yêu cầu thanh toán (ký quỹ trước) hiện tại dẫn tới việc khả năng giao dịch thất bại gần như không tồn tại.
MSCI vẫn xếp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên. (Ảnh minh họa: KT)
Còn xét theo tiêu chí của MSCI, Việt Nam vẫn còn 7/17 tiêu chí cần phải cải thiện. Nếu so với Kuwait mới được nâng hạng năm 2020, Việt Nam vẫn còn 5 tiêu chí còn phải cải thiện để có thể nâng hạng.
Trong báo cáo tháng 6/2020, các tiêu chí mà Việt Nam cần cải thiện gồm: giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện; thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi room khối ngoại; quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan thông tin tiếng Anh và room sở hữu; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận VSD; quy định thị trường và dòng thông tin bằng tiếng Anh và thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền.
Điểm tích cực trong báo cáo này là MSCI đã có điều chỉnh trong đánh giá về Việt Nam đối với mục thanh toán bù trừ (Clearing and settlement). Theo đó, MSCI bỏ nhận định: "Không có cơ sở thanh toán bù trừ chính thức và VSD đóng vai trò là đại lý thanh toán bù trừ".
Bà Bình nhận định, việc MSCI đưa Kuwait lên thị trường mới nổi từ ngày 1/12/2020 cũng là một yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi trở thành thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Market Index.
"Các quỹ chuyên đầu tư vào khu vực cận biên đang gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá cao hơn sẽ là một nhân tố thuận lợi cho tiến trình nâng hạng thị trường. Về việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, với các quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, không gian cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mở hơn nữa", bà Tạ Thanh Bình cho hay.
Động lực nâng hạng thị trường chính là các doanh nghiệp đại chúng
Đại diện UBCKNN cho biết, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư đang trình Chính phủ ban hành, số lượng ngành, nghề tại danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được rút ngắn khá nhiều. Cùng đó, danh mục sẽ cụ thể các điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; trong đó có điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, trên cơ sở tổng hợp điều ước quốc tế, pháp luật chuyên ngành.
Thời gian tới, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán gắn với phát triển bền vững, minh bạch; trong đó, một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; tổng kết, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển Thị trường Chứng khoán giai đoạn 2021 - 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển thị trường chứng khoán - thị trường vốn về dài hạn, nhằm hiện thực mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.
Tuy vậy, bà Tạ Thanh Bình cho rằng, cần nhiều nỗ lực để đạt được những mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán tới đây. Tuy nhiên, việc nâng hạng thị trường chứng khoán không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý thị trường chứng khoán.
"Động lực nâng hạng thị trường chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng", bà Tạ Thanh Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác cần cải thiện để phục vụ cho mục tiêu nâng hạng thị trường như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, giảm thiểu sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp; cải thiện độ mở của thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp... Đây là những công việc cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị; và đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán hội nhập sâu, rộng với thị trường chứng khoán quốc tế, đại diện UBCKNN cũng lưu ý, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (Fintech) vừa tạo ra rất nhiều cơ hội để phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả hơn, phục vụ được nhiều khách hàng hơn với chi phí thấp hơn, nhưng cũng mang tới nhiều rủi ro, thách thức mà cơ quan quản lý và thị trường phải đối mặt, nhất là các rủi ro về hệ thống, rủi ro mô hình kinh doanh, rủi ro an ninh mạng. Điều này đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý, đơn vị tổ chức thị trường và doanh nghiệp phải có các kịch bản, giải pháp, tầm nhìn mang tính dài rộng hơn.
"Cả doanh nghiệp, nhà đầu tư đều đang nhìn thấy cơ hội rất lớn cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam với triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, nâng hạng thị trường chứng khoán hay nâng tầm thị trường chứng khoán là câu chuyện làm sao để tạo ra những thay đổi mang tính tổng thể và bền vững cả về góc độ mở cửa nền kinh tế, thị trường ngoại hối và chất lượng của các doanh nghiệp đại chúng, tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, tính minh bạch của thị trường...", bà Tạ Thanh Bình lưu ý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!