Triển vọng dòng vốn từ quỹ cận biên vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Chinh Vũ-Thứ tư, ngày 21/10/2020 16:38 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tháng 11 tới.

Tháng 11 tới đây là thời điểm khá quan trọng với thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là việc tổ chức MSCI nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi, rổ chỉ số thị trường cận biên được phân loại lại và Việt Nam được đánh giá sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn từ các quỹ theo dõi chỉ số cận biên, tuy nhiên đó chưa phải là triển vọng duy nhất cho thị trường.

Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang xếp thứ 2 về tỷ trọng trong rổ chỉ số cận biên Frontier Markets Index của MSCI, chỉ sau Kuwait. Tuy nhiên, khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tháng 11 tới, bộ phận nghiên cứu tại các thành viên thị trường ước tính, Việt Nam có thể tăng từ 5 - 8 điểm % về tỷ trọng, trở thành quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số cận biên này.

Từ đây, Việt Nam có thể hút ròng 120 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ ETF mô phỏng theo 2 chỉ số thị trường cận biên của MSCI. Quy mô của dòng vốn ngoại vào thị trường có thể còn lớn hơn, lên đến hơn 200 triệu USD, nếu tính thêm đóng góp từ các quỹ chủ động.

Triển vọng dòng vốn từ quỹ cận biên vào thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng đang nhìn thấy tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

"Khi chúng ta tăng được tỷ trọng, đồng nghĩa với việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam và đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp vẫn còn tỷ lệ sở hữu nước ngoài với thị giá phải chăng. Tuy nhiên để thực sự đón được dòng vốn này, ở góc độ doanh nghiệp đòi hỏi sự cộng hưởng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn kinh doanh cao hơn và khả năng quản trị doanh nghiệp tốt hơn", ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital, nhận định.

Thực tế qua gần 10 tháng của năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 34.000 tỷ đồng, một phần vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế. Tuy nhiên, diễn biến tích cực của thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây, cũng như trợ lực từ đợt tái phân loại rổ chỉ số cận biên của MSCI trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể niềm tin của nhà đầu tư ngoại.

Triển vọng dòng vốn từ quỹ cận biên vào thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 2.

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán. (Ảnh: Báo Đầu tư)

"Nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng đang nhìn thấy tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện dòng tiền đang dịch chuyển theo hình thức thành lập các quỹ ETF, thành lập các quỹ đầu tư. Ở đâu đó, dòng tiền Hàn Quốc đang mua lại các công ty chứng khoán để đón đầu những cơ hội mới", ông Đồng Trần Quốc Bảo, Giám đốc Môi giới, Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cho biết.

Cơ hội đã nhìn thấy, nhưng giới phân tích cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức lớn có thể cản đường thị trường đón được dòng vốn này, đặc biệt từ những biến động của thị trường thế giới.

Một rào cản lớn khác là sự hạn chế trong công bố thông tin bằng tiếng Anh theo chuẩn của doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể khiến các quỹ đầu tư ngần ngại giải ngân. Lượng tiền đang có tại các quỹ theo dõi chỉ số cận biên ước tính lên đến cả tỷ USD, nhưng để biến "triển vọng" thành "hiện thực", các thành viên thị trường sẽ còn nhiều điều cần làm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thiếu các dòng tiền lớn Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thiếu các dòng tiền lớn

VTV.vn - Thị trường chứng khoán Việt Nam: Tăng điểm nhưng vẫn thiếu các dòng tiền lớn. Số lượng vốn huy động thực sự chỉ đạt 61% so với cùng kỳ năm ngoái

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước