Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn diễn biến khó lường, đơn hàng xuất khẩu và sản xuất giảm, các doanh nghiệp phải triển khai nhiều giải pháp để giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh.
Chia sẻ với VTVMoney, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng đẩy mạnh liên kết vùng có thể giúp họ tối ưu hóa chi phí. Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 30 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng, trong đó nhấn mạnh tới yêu cầu phải đẩy mạnh liên kết vùng để tạo động lực phát triển cho các địa phương.
Khu công nghiệp nằm tại Thái Bình, đang gấp rút xây dựng hạ tầng như kho hàng, bến bãi. Họ kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp khi tuyến cao tốc Hải Phòng - Thái Bình hoàn thiện, sẽ giúp giảm gần một nửa khoảng cách từ khu công nghiệp tới cảng gần nhất ở Hải Phòng, từ đó, giúp giảm chi phí vận chuyển logistics cho các doanh nghiệp.
"Nếu chúng ta có thể liên kết được với nhau, tạo hạ tầng cho logistics, những con đường kết nối đến Hải Phòng, dịch vụ như tàu biển, kho bãi thì ở Thái Bình, Nam Định có làm cảng biển không hay chỉ làm kho trung chuyển, làm con đường kết nối để giảm chi phí đầu tư", ông Lê Đình Đáp, Trưởng Ban Pháp chế Công ty CP GREEN i-PARK, cho biết.
Hiện nhiều địa phương vẫn thiếu quy hoạch tổng thể, dẫn đến mỗi tỉnh trong vùng còn phát triển riêng lẻ, chồng chéo nhau. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Bên cạnh logistics, các doanh nghiệp cũng đề xuất đẩy mạnh liên kết vùng theo ngành kinh tế, có nghĩa là các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực ở các địa phương gần nhau có thể liên kết thành chuỗi sản xuất. Như Tập đoàn ThaiBinh Seed, nhà máy chế biến gạo sẽ không thể hoạt động tối đa công suất nếu không liên kết vùng nguyên liệu với các địa phương lân cận.
"Kết nối ngành ngành là yếu tố rất quan trọng bởi giảm rất nhiều chi phí, kể cả đầu tư về hạ tầng và các chính sách từng địa phương một để khai thác lợi thế của nhau", ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed, cho hay.
Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương vẫn thiếu quy hoạch tổng thể, dẫn đến mỗi tỉnh trong vùng còn phát triển riêng lẻ, chồng chéo nhau. Chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện thể chế và có các biện pháp cụ thể như xây dựng hội đồng vùng hay dự án phù hợp để phát huy lợi thế của các địa phương trong vùng.
"Phải có những dự án liên kết vùng, vừa kết nối vùng không bị tắc nghẽn, ví dụ Thái Bình không có cầu bắc ngang qua, vượt tầm của Thái Bình, thì phải có liên kết vùng và hội đồng vùng là nơi có quyền đề xuất", ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định.
Việc liên kết vùng thành công sẽ giúp tạo ra các vùng sản xuất quy mô lớn, hoặc các khu công nghiệp đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ hơn trong vùng.
Đẩy mạnh liên kết vùng đồng bằng sông Hồng VTV.vn - Vùng đồng bằng sông Hồng hiện chiếm 29,4% GDP cả nước và còn nhiều dư địa tăng trưởng, nếu đẩy mạnh được mô hình liên kết vùng, tận dụng lợi thế của các địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!