Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xây dựng luật

VTV Digital-Thứ tư, ngày 30/10/2024 11:32 GMT+7

VTV.vn - Tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền. Xây dựng pháp luật đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Chiều 29/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Luật Đầu tư công sửa đổi và dự án 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính. Bao gồm Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Với tinh thần tạo ra bước đột phá về thể chế, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi và 1 luật sửa 7 luật đã được soạn thảo theo thủ tục rút gọn, đã rút ngắn được thời gian so với trình tự, thủ tục xây dựng luật thông thường. Đặc biệt có đề xuất, sửa đổi tập trung giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ "điểm nghẽn" trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực ngân sách Nhà nước, tài sản công. Tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, và đặc biệt là tăng cường phân cấp, phân quyền đúng theo tình thần chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm là phân cấp mạnh, từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Cần phải phân cấp mạnh. Để địa phương làm, địa phương quyết, địa phương tự chịu trách nhiệm. Quan điểm này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình và cũng được thể hiện trong một dự thảo 1 luật sửa 7 luật.

Đơn vị quản lý vận hành khai thác tài sản thì lại không có quyền quyết định đầu tư, bảo trì, sữa chữa tài sản. Điểm nghẽn này đã được dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi đã tháo gỡ, giao thẩm quyền cho các đơn vị được phân cấp, ủy quyền quản lý tài sản từ ngân sách nhà nước.

Bà Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho hay: "Chúng tôi rất mừng trong dự thảo luật sửa đổi về Luật Ngân sách nhà nước cũng đã có quy định về việc đơn vị được phân cấp ủy quyền quản lý bảo trì hoặc giao trực tiếp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đã được đơn vị phân bổ và giao dự toán ngân sách như các đơn vị sử dụng ngân sách khác".

Các đại biểu cho rằng luật chỉ quy định những vấn đề chung, những vấn đề biến động thường xuyên thì cần giao cho Chính phủ, các địa phương quy định, để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tăng cường phân cấp cho Chính phủ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng: "Những cái gì mà liên quan đến Quốc hội, ví dụ như hồ sơ phải trình Quốc hội thì có thể phải quy định cho Quốc hội để Quốc hội kiểm soát. Những việc đã phân quyền cho Chính phủ hoặc chính quyền địa phương thì trình tự thủ tục nên để chính quyền địa phương hoặc Chính phủ quy định".

Đối với phân cấp, phân quyền trong việc quyết định đầu tư dự án, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Chính phủ đề xuất đối với các dự án thuộc nhóm A sẽ phân cấp triệt để cho các bộ, cơ quan trung ương. Còn với các dự án nhóm B,C,D sẽ phân cấp cho ủy ban nhân dân các cấp.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: "Giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh họ phân bổ, chứ mình không phân bổ từng dự án đầu tư. Ví dụ hỗ trợ địa phương mà anh lại can thiệp vào từng dự án. Còn đối với Chính phủ chỉ quyết định các dự án mà các bộ ngành làm chủ đầu tư, hoặc là những dự án liên tỉnh. Còn Quốc hội chỉ duyệt những dự án đặc biệt quan trọng Quốc gia. Như vậy nó rất rõ và cá thể hóa trách nhiệm, chắc chắn hiệu quả nó cũng cao hơn".

Việc phân cấp, phân quyền triệt để sẽ thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình đầu tư công, hạn chế tối đa tình trạng "vốn chờ dự án", "dự án chờ vốn" như hiện nay.

Phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian hoàn thuế GTGT

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xây dựng luật - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế GTGT, để góp phần rút ngắn thời gian hoàn thuế, giảm bớt thủ tục hành chính.

Chủ trương phân cấp, phân quyền còn được thể hiện rõ ở dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi. Trong dự thảo, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế GTGT. Mục đích là để góp phần rút ngắn thời gian hoàn thuế, giảm bớt thủ tục hành chính.

Nếu như việc thu thuế được phân cấp rất mạnh. Có tới 3 cấp để thu thuế là các Chi cục thuế, các Cục thuế, Cục thuế doanh nghiệp lớn, nhưng hoàn thuế lại chỉ được giao cho Cục thuế thực hiện. Điều này dẫn tới số lượng hồ sơ hoàn thuế bị dồn vào Cục thuế, khiến cho việc hoàn thuế đôi khi bị chậm. Dự thảo Luật Quản lý thuế có đề xuất trao quyết định hoàn thuế cho thêm 2 cấp là các Chi cục và Cục thuế doanh nghiệp lớn. Điều này kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Nguyên Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính cho hay: "Tôi khẳng định nếu phân cấp phân quyền thì nó sẽ nhanh hơn. Bởi với quy trình hiện nay thì người thụ lý hồ sơ vẫn là các chi cục trưởng chi cục quận huyện và các chi cục thuế khu vực người ta phải trình lên Cục thuế. Cục thuế lại phải mở hội đồng thẩm định, cuối cùng nó không nâng cao vai trò của các Chi cục thuế. Cho nên đến bây giờ là trao quyền, trao trách nhiệm cho người ta thì trách nhiệm người ta sẽ phải làm bài bản hơn".

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, nếu đề xuất được thông qua thì sẽ tăng cường các biện pháp thanh kiểm tra để việc hoàn thuế được thực hiện đúng pháp luật.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Khi phân cấp, phân quyền thế thì chúng tôi sẽ tăng cường các giải pháp công tác kiểm tra giám sát quá trình thực hiện của các chi cục thuế. Đồng thời nâng cao trình độ năng lực để thực hiện cho nó đúng, nó trúng với quy định của pháp luật trong hoàn thuế, tránh rủi ro phát sinh, trục lợi trong hoàn thuế".

Khi phân cấp cho các chi cục thuế có thẩm quyền xem xét, hoàn thuế đối với những hồ sơ thuế mà chính họ được giao quản lý, sẽ tạo điều kiện rút ngắn thời gian xem xét hoàn thuế. Việc hoàn thuế nhanh hơn là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong mỏi. Bởi nếu được hoàn thuế sớm thì doanh nghiệp cũng sớm có dòng tiền để đưa vào sản xuất kinh doanh.

Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi và dự án 1 luật sửa 7 luật sẽ tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận. Với chủ trương sẽ thông qua trong kỳ họp lần này, để tháo gỡ hết những "điểm nghẽn", những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Với mục tiêu tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước