Chè Thái Nguyên đã nổi tiếng từ lâu với thị trường trong nước. Tuy nhiên, giống như một số nông sản khác, trên thị trường quốc tế, loại chè đặc sản này lại chỉ được coi là hàng hóa thô. Trên bao bì không được ghi "sản xuất ở Việt Nam" mà phải đứng danh của thương hiệu nước ngoài. Trăn trở của những người làm chè Thái Nguyên là đem được thương hiệu đặc sản này ra với thị trường thế giới.
Với tổng diện tích hơn 21.000ha, trong đó hơn 70% được trồng chế biến theo công nghệ Vietgap, đây sẽ là tiền đề để đưa Thái Nguyên thành điểm sáng về xuất khẩu chè. Có thể thấy giải thưởng tại cuộc thi chè Bắc Mỹ vừa qua là minh chứng rõ rệt nhất về chất lượng và tiềm năng của ngành chè Thái Nguyên. Những gì còn thiếu hiện nay chỉ là việc xây dựng thương hiệu.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên sẽ bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng để tái cơ cấu lại ngành chè của tỉnh, trước tiên là quy hoạch lại diện tích sản xuất, đầu tư công nghệ và lựa chọn giống cây có năng suất cao. Quan trọng nhất là xây dựng thương hiệu hướng tới mục tiêu xuất khẩu đi các thị trường khó tính trên thế giới.
Tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ nâng cấp và cải tiến công nghệ sau thu hoạch, dây chuyền chế biến cao hơn tiêu chuẩn Vietgap để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trong thời gian tới tỉnh Thái Nguyên sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn, kinh phí xây dựng và đăng ký thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với sự đầu tư như vậy, mục tiêu từ nay đến năm 2020 Thái Nguyên sẽ xuất khẩu trực tiếp mỗi năm 40% sản lượng chè đi thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!