Đề xuất tăng thuế xăng dầu: DN, người dân lo ngại là dễ hiểu

Sự kiện và bình luận-Thứ bảy, ngày 21/01/2017 12:12 GMT+7

VTV.vn - Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, sự lo ngại về một chính sách liên đến một mặt hàng quan trọng như xăng dầu của người dân và DN là tâm lý dễ hiểu.

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên 8.000 đồng/lít. Bộ Tài chính cho rằng để xuất này nhằm bù đắp cho lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo những cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn bày tỏ lo lắng về khả năng tăng giá xăng dầu. Người dân đều mong muốn giá xăng dầu có thể trở về sát nhất với giá trị thực của nó, chứ không mong tăng thuế đối với xăng dầu. Từ đó, câu hỏi chung của nhiều người đặt ra là các cơ quan quản lý cần có cách tiếp cận như thế nào với các loại thuế, phí về xăng dầu để vừa đảm bảo ngân sách vừa không gây hệ lụy với nền kinh tế?

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Chúng ta có thể yên tâm về 2 điểm. Thứ nhất, với cách tính như vậy, cân đối ngân sách có thể được giữ qua tổng thu về giá xăng dầu. Đặc biệt, việc giảm thuế hội nhập gắn với việc giảm thuế nhập xăng dầu sẽ không bị ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Thứ hai, sức cạnh tranh của doanh nghiệp được kỳ vọng vào việc giảm thuế về xăng dầu sẽ không thay đổi. Do đó, điều này sẽ có lợi cho Bộ Tài chính cũng như cho các đối tác cạnh tranh của Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng đối với người dân, giá xăng dầu sẽ khó được đảm bảo khi thuế môi trường tăng".

Đề xuất tăng thuế xăng dầu: DN, người dân lo ngại là dễ hiểu - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong

"Thực tế đã chứng minh là giá xăng dầu luôn luôn tăng mỗi khi tăng thuế. Hơn nữa, chúng ta giảm thuế nhập khẩu là giảm theo phần trăm còn tăng thuế môi trường lại tăng theo đơn vị nghìn đồng. Lộ trình kịch bản hiện chưa có, chúng ta mới có cái khung nhưng khung chưa được đánh giá, chưa gắn với lộ trình giảm thuế thực sự. Vì thế, nếu có sự lệch về tốc độ, về thời gian, về các đơn vị tính toán thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến việc tăng giá xăng dầu", TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: "Chúng ta cần xác định rõ rằng đề xuất là để sửa đổi luật. Đề xuất luật thuế là về khung thuế có thể từ 2-8%, còn mức thuế cụ thể sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong từng bối cảnh phù hợp. Vì thế, đề xuất tăng trần là tín hiệu đáng lo ngại, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ tăng ngay trong năm tới".

Đề xuất tăng thuế xăng dầu: DN, người dân lo ngại là dễ hiểu - Ảnh 2.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Đậu Anh Tuấn cũng lý giải về tâm lý chung của các doanh nghiệp và người dân: "Nhìn vào bối cảnh những năm qua, các doanh nghiệp và người dân đều lo lắng trước tình hình giá cả các loại hàng, dịch vụ tăng. Trong đó, phí BOT đã tăng rất nhanh, bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp cũng tăng nhanh. Điều đáng lưu ý nữa là tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam lên đến 32%, thuộc loại cao hàng đầu trên thế giới. Vừa qua, một số địa phương còn bắt đầu thu phí sử dụng hạ tầng. Từ những thực tế đó, sự lo ngại về một chính sách có thể khiến một mặt hàng quan trọng như xăng dầu tăng là tâm lý dễ hiểu với các doanh nghiệp, người dân".

Để lắng nghe cuộc trao đổi với TS Nguyễn Minh Phong và ông Đậu Anh Tuấn, mời quý vị theo dõi qua video Sự kiện và bình luận dưới đây:

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước