Trong vài tháng vừa qua, các đề xuất xung quanh dự án Luật Đất đai sửa đổi đã liên tục nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía các địa phương, doanh nghiệp và người dân, bởi đây là dự án Luật vô cùng quan trọng, lan tỏa tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Dự án Luật này thể chế hóa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Sửa đổi Luật Đất đai cũng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
4 điểm đột phá
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này có 4 điểm được đánh giá là đột phá.
Bỏ khung giá đất
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bỏ khung giá đất được coi là giải pháp đột phá. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hiện nay, khung giá đất là giá đất mà Nhà nước quy định, ban hành định kỳ 5 năm một lần. Đây là cơ sở để các tỉnh căn cứ xây dựng và công bố bảng giá đất ở từng địa phương và áp dụng. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ quy định khung giá đất. Theo đó, bảng giá đất sẽ được xây dựng căn cứ vào giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất. Các địa phương sẽ xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm.
Quyền lợi của người bị thu hồi đất
Nội dung thứ 2 mang tính đột phá là các quy định liên quan tới giải quyết quyền lợi của những người bị thu hồi đất và các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đáng chú ý, trước khi tiến hành thu hồi đất phải được phê duyệt phương án tái định cư. Điều này xuất phát từ thực tiễn là trong thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đưa ra hứa hẹn về khu tái định cư. Tuy nhiên khi người dân giao đất, nhận nhà tái định cư không đúng như thông tin ban đầu.
Đấu giá, đấu thầu
Điểm đột phá thứ 3 là vấn đề liên quan trực tiếp tới các doanh nghiệp. Việc đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đấu tư được quyền khai thác, sử dụng đất được xem là 2 phương thức cạnh tranh, công khai, minh bạch nhất, tránh cảnh xin cho, gây thất thoát, như không ít vụ việc đã từng xảy ra.
Quy hoạch theo hướng tuyến
Điểm đột phá thứ 4 là thay đổi trong việc lập quy hoạch. Quy hoạch sử dụng đất hiện nay thường được lập theo chỉ tiêu, ví dụ 10% đất đô thị, 10% đất rừng, 10% đất giao thông.
Theo Luật Đất đai sửa đổi, quy hoạch sẽ được lập theo không gian, nghĩa là theo hướng tuyến và điểm kết nối giao thông. Ví dụ khi chúng ta xây dựng quy hoạch một tuyến đường cao tốc, phải quy hoạch các đô thị, khu thương mại dịch vụ, khu công nghiệp dọc theo hướng tuyến và điểm kết nối vào cao tốc, từ đó tạo thành các đô thị vệ tinh. Luật cũng sẽ quy định cụ thể thu hồi đất như thế nào, thu hồi đất vùng phụ cận ra sao.
Nhiều dự án tại TP Hồ Chí Minh bị kéo dài do vướng giải phóng mặt bằng
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, tiến độ tại nhiều dự án bị ảnh hưởng, kéo dài thậm chí hàng chục năm trời, do vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Không chỉ cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, mà doanh nghiệp cũng gặp khó khăn và chỉ có gỡ được nút thắt này, các dự án mới có thể đẩy nhanh tiến độ.
Dự án cầu Tăng Long tại TP Thủ Đức được khởi công từ năm 2017 nhằm thay thế cho cây bên cạnh đang xuống cấp. Theo kế hoạch, cầu sẽ hoàn thành vào năm 2019, nhưng khi đạt 30% khối lượng, cầu đã phải tạm dừng thi công suốt 3 năm qua.
Dù được Ban quản lý dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 450 tỷ đồng lên 688 tỷ đồng do phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay cầu vẫn chưa có mặt bằng sạch để tiếp tục thi công. Hiện trạng cây cầu là những khối bê tông dang dở, còn cầu tạm bên cạnh thường xuyên bị ùn tắc giao thông.
Cách đó không xa, cầu Nam Lý cùng chung số phận. Khởi công từ năm 2016, cầu mới đạt 40% khối lượng thì dừng thi công đến nay do chưa thống nhất giá đất bồi thường. Dự án bị đình trệ khiến hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng.
"Tôi muốn đền bù để đi cho rồi. Ở đây không chắc, hồi hộp luôn. Nửa đi nửa không, không có quy hoạch thì làm sao không ở đây?", bà Nguyễn Thị Cơ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
"Nhà nước cho người dân tái định cư ở một nơi nào, ví dụ như nhà 50 m2 thì tới phương trời mới cũng có số đất y như vậy và hỗ trợ thêm cho người dân một ít tiền để xây cất lên, cấp 4 cũng được", bà Bùi Thị Ngọc Huyền, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, nói.
Không chỉ với dự án đầu tư công, nhiều dự án của doanh nghiệp cũng bị "treo" vì vướng mặt bằng. Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, điểm nghẽn giải phóng mặt bằng xuất phát phương án bồi thường chưa đồng thuận với người dân và thiếu nguồn vốn phát triển quỹ đất.
Đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất
Đó là câu chuyện được ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh. Vậy trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án có những điểm gì đáng lưu ý?
Trong chương trình Tọa đàm về Những đột phá trong Dự án Luật Đất đai sửa đổi mới đây do VTV Money thực hiện, đại diện doanh nghiệp, chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi xung quanh vấn đề này với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Một số ý kiến đồng tình với việc sẽ giải quyết quyền lợi của người dân bị thu hồi đất trước, sau đó mới tiến hành giải phóng mặt bằng.
"Chúng ta phải tính đến quyền lợi của người bị thu hồi đất trước, sau đó mới tính đến thu hồi. Như vậy người dân sẽ dễ đồng thuận", PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, nêu ý kiến.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng vì chưa nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân.
Các đề xuất xung quanh dự án Luật Đất đai sửa đổi đã liên tục nhận được sự quan tâm lớn từ phía các địa phương, doanh nghiệp và người dân. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Chúng tôi rất mong trong dự thảo lần này Bộ Tài nguyên và Môi trường nên quan tâm đến thực tế của công tác giải phóng mặt bằng mà các dự án đang vấp phải để cái này đúng là tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Như vậy, các dự án mới khơi thông được và mới có thể nói đến phát triển kinh tế - xã hội", Chủ tịch Công ty GP Invest Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất.
Phản hồi ý kiến của các khách mời, Bộ trưởng cho biết trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã đưa ra phương pháp tính giá đền bù khi thu hồi đất để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
"Đây là vấn đề nóng, rất nóng và hết sức nhạy cảm nên ban soạn thảo lần này chúng tôi đã không dùng từ giải phóng mặt bằng mà thực tế đây là quá trình chuyển dịch đất đai. Trong luật lần này, chúng tôi đã quy định rất cụ thể. Đến bù không chỉ bằng đất, bằng tiền, mà đền bù ở đây là phải xem xét những giá trị tương đương và tốt hơn và phải tính đến thu nhập, sinh kế, đa dạng hóa các loại hình thức. Thậm chí đất lúa nếu cần thiết có thể xem xét đền bù bằng đất dịch vụ, đất sản xuất khác. Khi doanh nghiệp và nhà nước có cùng tiêu chí, có cùng mục tiêu, có cùng yêu cầu, có cùng phương pháp để định giá và có cùng nguyên tắc phân chia công bằng thì lúc đó nhà nước thu hồi hay doanh nghiệp tự thỏa thuận thì chúng ta đều phải đạt được kết quả và yêu cầu như nhau", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến sự đồng thuận của người dân trong thu hồi đất, Bộ trưởng cho biết luật sẽ sửa đổi theo hướng không chỉ phụ thuộc vào số lượng người dân đồng ý, mà sẽ theo hướng dự án phải chứng minh được những lợi ích mang lại cho cộng đồng, cho xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được đưa lấy ý kiến Quốc hội vào tháng 10 tới đây và tiếp tục được bàn thảo trong các kỳ hợp tiếp theo. Nếu như các nội dung đạt được sự đồng thuận, đáp ứng yêu cầu, thì dự kiến, Quốc hội sẽ họp thông qua Luật Đất đai 2023 vào tháng 10 năm sau. Trong khoảng thời gian này, đơn vị soạn thảo vẫn tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp từ người dân, doanh nghiệp, chuyên gia và các địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!