Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Đông, Bắc Phi

Nguyệt Hà-Chủ nhật, ngày 03/11/2013 21:08 GMT+7

Trong hai ngày 4 và 5/11 tại Hà Nội, Diễn đàn Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi, sự kiện lớn đầu tiên về thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên. sẽ diễn ra.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực này hiện đạt hơn 7 tỷ USD. Mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư và lao động đang hứa hẹn đi vào chiều sâu, bởi hai bên có nhiều thế mạnh có thể bổ sung cho nhau.

‘ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - UAE. (Ảnh: TTXVN)

Lễ khởi công xây dựng Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn mới diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa – một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, có tổng mức vốn đầu tư trên 9 tỷ USD. Trong đó, Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait đóng góp 35,1% tổng số vốn. Đây cũng là một trong khá nhiều dự án thu hút đầu tư từ một số quốc gia vùng Vịnh.

Ông Ahmed Ali Almualla, Đại sứ UAE cho biết: “Hiện chúng tôi có tập đoàn dầu khí Mubadala - một trong những tập đoàn lớn nhất UAE đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi có cảng biển Dubai được xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh, giúp kết nối các tuyến hàng hải giữa Việt Nam và UAE. Chúng tôi cũng tự hào khi hai hãng hàng không quốc gia của chúng tôi đã hoạt động tại Việt Nam, gồm Emirates Airlines và Etihad Airways. Mong muốn của chúng tôi là các công ty Việt Nam tham gia các triển lãm của chúng tôi nhiều hơn, vì trung bình mỗi tháng có ít nhất 1 triển lãm lớn diễn ra tại UAE”.

Từ con số gần 900 triệu USD năm 2002, sau 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các đối tác Trung Đông - Bắc Phi đã tăng lên 7,4 tỷ USD. Trong đó đáng chú ý là thặng dư mậu dịch đang nghiêng về Việt Nam. Riêng tại các UAE, xuất khẩu của Việt Nam sang nước này trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng lên 3,1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là hơn 250 triệu USD, đưa UAE trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam.

Tại Trung Đông - Bắc Phi, hàng nông sản Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều trong các cửa hàng, siêu thị. Ở Palestine, nếu hỏi bất kì ai về loại cá Basa được ưa chuộng nhất, thì đó là cá Basa Việt Nam. Công ty thực phẩm Al Faloja là doanh nghiệp Palestine nhập khẩu cá Basa lớn nhất từ Việt Nam. Ông chủ công ty, Raed Al Bayed cho biết, mỗi năm, công ty này nhập khẩu từ Việt Nam 3.000 tấn cá Basa, chưa kể đến các sản phẩm khác như tôm hay mực.

Ông Raed Al-Bayed, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Al Faloja nói: “Chúng tôi thấy thị trường Việt Nam có các loại thủy sản như cá Basa là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của người Palestine. Khi so sánh cá của Việt Nam với nhiều loại cá của các nước như Argentina, Uruguay, Nam Phi, chúng tôi thấy cá Việt Nam phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Palestine hơn. Một yếu tố nữa là giá cả của Việt Nam phù hợp với người tiêu dùng. Chất lượng cá Việt Nam tốt hơn cá của nhiều nước khác xuất khẩu”.

Không chỉ xuất khẩu hàng hóa, hoạt động đầu tư của Việt Nam cũng bắt đầu khởi sắc tại Trung Đông - Bắc Phi, khu vực chiếm tới 60% trữ lượng dầu mỏ và 45% trữ lượng khí đốt của thế giới. Đáng chú ý nhất là dự án khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tại Algeria với tổng số vốn trên 200 triệu USD, dự kiến sẽ bắt đầu khai thác vào cuối năm sau.

Ông Chérif Chikhi, Đại sứ Algeria tại Việt Nam chia sẻ: “Dự án hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt nam với Công ty dầu khí lớn nhất Algeria Sonatrach tại miền Nam Algeria hiện đang tiến triển tốt đẹp. Hai bên đều rất hài lòng. Đối với chúng tôi, hợp tác dầu khí với Việt Nam sẽ là hình mẫu để hai nước phát triển các dự án hợp tác khác”.

Tuy đã khởi sắc, nhưng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi vẫn còn khiêm tốn. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước khu vực chỉ chiếm 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Lượng đầu tư vào Việt Nam hiện cũng chiếm tỉ trọng nhỏ trong dòng vốn hàng chục tỉ USD hàng năm đầu tư ra nước ngoài của các nước khu vực. Còn người lao động Việt Nam làm việc tại đây, hiện là 26.000 người, nhưng cũng chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại khu vực và chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực có thu nhập trung bình.

Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và 15 nước Trung Đông - Bắc Phi sẽ diễn ra trong 2 ngày tới tại Hà Nội được kì vọng đem lại cơ hội xúc tiến thương mại và đầu tư cho cả hai phía.

Bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: “Chúng tôi hi vọng qua Diễn đàn này, chúng ta sẽ tạo bước đột phá mới để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - Bắc Phi trên tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt trong những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và có nhu cầu như năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng, lao động, nông nghiệp, du lịch”.

Những chuyến bay mỗi ngày một tấp nập, kết nối Việt Nam với khu vực Trung Đông – Bắc Phi, khoảng cách không còn là rào cản. Giờ đây, thiếu thông tin cũng sẽ không còn là rào cản. Hàng hóa và nguồn nhân lực của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đặt chân vào khu vực hơn nửa tỉ dân này. Các nhà đầu tư từ Trung Đông - Bắc Phi cũng sẽ có thêm cơ hội tiếp cận một điểm đến đầu tư mới, đó là Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước