Đây là diễn đàn do Ủy ban kinh tế Quốc hội, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc đồng tổ chức.
Thảo luận về tình hình kinh tế những tháng đầu năm nay, các nhà kinh tế nhận định, nền kinh tế vẫn chưa ra khỏi tình trạng suy thoái. Niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào thị trường chưa được khôi phục hoàn toàn. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã yêu cầu các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập; các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phải trình đề án tái cơ cấu, nhưng vẫn cần có một chương trình tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế
Thảo luận về các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2013 trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-1016 đã được Quốc hội thông qua, các nhà kinh tế đã khuyến nghị Chính phủ không nên vì những mục tiêu ngắn hạn, mà cần tiếp tục có các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô như hiện nay.
Tiến sỹ Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng: “Chúng ta không đặt mục tiêu tăng trưởng là phải đạt bao nhiêu phần trăm cho kế hoạch 5 năm mà tập trung lớn nhất vẫn là củng cố những cơ sở ổn định vĩ mô và xây dựng niềm tin của thị trường. Tuy nhiên, những chính sách hiện nay chưa tạo được niềm tin thị trường. Nếu như chúng ta không vướng bận những suy nghĩ kéo cho đạt mức nào đó của kế hoạch 5 năm thì chúng ta sẽ không làm được điều chúng ta muốn”.
Trong khi đồng tình về sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng những chương trình tái cơ cấu, một số đại biểu lại đề nghị nên chọn 1-2 tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ trước, nhưng cũng có quan điểm cho rằng cần tái cơ cấu tất cả các doanh nghiệp nhà nước hiện có.