Điều tra đột xuất, đo kiểm "sức khỏe" doanh nghiệp Việt Nam

PV (Ảnh: Dân trí)-Thứ sáu, ngày 11/09/2020 06:08 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đánh giá mức độ hỗ trợ, lan tỏa của các chính sách.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 quay trở lại từ tháng 7/2020 với diễn biến phức tạp, Tổng cục Thống kê tiếp tục tiến hành cuộc Điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lần thứ 2 theo Quyết định ngày 7/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Mục đích của cuộc điều tra lần này nhằm thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; cũng như đánh giá mức độ hỗ trợ và sự lan tỏa của các chính sách của Chính phủ, các cấp, các ngành đối với doanh nghiệp trong thời gian qua.

Thông qua đó, Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương có các chính sách, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp ứng phó tốt hơn trước dịch COVID-19 lần 2.

Cuộc điều tra triển khai thu thập thông tin từ 10-20/9, kết quả công bố dự kiến cuối tháng 9/2020.

Điều tra đột xuất, đo kiểm sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Kết quả điều tra lần 1 cho thấy, tính đến thời điểm kết thúc khảo sát (20/4/2020) với 126.565 doanh nghiệp tham gia trả lời (chiếm 20% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm hiện nay, trong đó có 51/66 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn), có tới 85,7% số doanh nghiệp được hỏi trên cả nước bị tác động bởi dịch COVID-19.

Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ chịu nhiều tác động nhất từ dịch COVID-19 với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%; trong khi khu vực nông, lâm, thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn với 78,7%.

Đáng chú ý, một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 cao, điển hình như: Ngành hàng không 100%, dịch vụ lưu trú 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%, giáo dục và đào tạo 93,9%, tiếp đến là các ngành dệt may, sản xuất da, các sản phầm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước