Sau gần 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực. Các doanh nghiệp FDI đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước, đóng góp về tạo việc làm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, tác động lan tỏa của dòng vốn FDI đối với doanh nghiệp trong nước vẫn được xem là một trong những hạn chế, nhất là tỉ lệ nội địa hóa còn thấp.
Liên tục mở rộng vốn đầu tư lên đến hơn 11 tỷ USD tại Việt Nam với hàng loạt các dự án lớn, song đến nay, những gì mà Samsung làm được tại Việt Nam chủ yếu là nâng cao kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động. Trong khi đó, mục tiêu lớn nhất khi thu hút các nhà đầu tư lớn như Samsung vào Việt Nam là tạo sức lan tỏa, kết nối doanh nghiệp nội, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, lại vẫn đang “dậm chân” tại chỗ. Sau gần 20 năm có mặt tại Việt Nam, đến nay, tỉ lệ nội địa hoá của Samsung đạt 36%.
Ông Han Myoungsup, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Complex cho biết: “Phía công ty Samsung và Chính phủ đã thống kê và kết quả là khoảng 36%. Tuy nhiên, tỉ lệ nội địa hóa này không chỉ đơn thuần là của các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn bao gồm tất cả những doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam”.
Tương tự, với hàng loạt các doanh nghiệp FDI khác như Canon, Intel, hay LG… hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các sản phẩm in ấn, bao bì với hàm lượng công nghệ thấp. Bên cạnh thực tế hầu hết các doanh nghiệp FDI đều khép kín chuỗi sản xuất với hàng loạt các doanh nghiệp vệ tinh từ nước ngoài, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến doanh nghiệp nội địa khó tham gia chuỗi cung ứng chính là do năng lực cung ứng của doanh nghiệp Việt còn hạn chế.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Giám đốc công ty TNHH thương mại và chế tạo khuôn mẫu TDBH nói: “Về chất lượng, hình ảnh của Samsung đòi hỏi chất lượng cao, những khuôn dập lên các linh kiện điện thoại đòi hỏi độ chính xác lên đến 5 phần nghìn, với công nghệ của doanh nghiệp Việt khó đáp ứng độ chính xác như thế”.
Để khắc phục vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải nâng cao vai trò cầu nối của Nhà nước trong việc xây dựng những mô hình liên kết phù hợp, thúc đẩy nâng cao vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp FDI trong việc hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, bản thân các doanh nghiệp trong nước phải có những đột phá về công nghệ cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể đủ lực liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp FDI, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiến sỹ Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự đổi mới, nếu từng doanh nghiệp có thể yếu, chưa thực hiện được một dây chuyền sản xuất nào đó thì phải có sự liên kết doanh nghiệp với nhau. Hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, tìm đúng các đối tác nước ngoài có khả năng, có thiện chí để hỗ trợ hai bên cùng phát triển”.
Năm 2015 sẽ là năm Việt Nam “bội thu” hội nhập với việc hoàn thành đàm phán và ký kết một loạt các FTA quan trọng, trong đó có nhiều FTA “thế hệ mới” và chất lượng cao. Đây cũng được cho là giai đoạn bước ngoặt trong thu hút FDI, nâng cao năng lực cạnh tranh chính là cách doanh nghiệp Việt tự khẳng định vai trò của mình, đồng thời là cách giúp tận dụng lợi thế mà FDI mang lại cho nền kinh tế.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.