Doanh nghiệp chủ động đảm bảo điện cho sản xuất

VTV Digital-Thứ ba, ngày 28/05/2024 06:30 GMT+7

VTV.vn - Để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, các doanh nghiệp và khu công nghiệp đã chủ động lên các giải pháp từ nguồn năng lượng xanh.

Công ty TNHH Phong Nam Sinhirose cho biết đã đầu tư 7 tỷ đồng lắp đặt điện mặt trời áp mái, công suất 550 kwp. Trung bình mỗi tháng, hệ thống điện giúp công ty giảm được 100 triệu đồng tiền điện.

Bà Trần Thị Kim Quế - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phong Nam Sinhirose nói: "Trước đây, một tháng công ty trả 700 triệu đồng tiền điện thì bây giờ bình quân hàng tháng chỉ trả khoảng 600 triệu. Chúng tôi tận dụng được năng lượng tái tạo đưa vào sản xuất, điều này có ý nghĩa rất lớn".

Đầu tư ban đầu cho hệ thống điện mặt trời áp mái không nhỏ nhưng về lâu dài đảm bảo cho doanh nghiệp sản xuất ổn định hơn. Vì thế các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay cũng đã chủ động đầu tư.

Với hơn 3 ha diện tích mái được lắp đặt điện mặt trời áp mái thì Khu Công nghiệp Deep C đã tự chủ được 1,1% lượng điện năng phục vụ cho sản xuất công nghiệp của toàn khu. Do đó với lượng diện tích mái còn lại lên đến 300 ha thì lượng điện năng khu công nghiệp có thể tự chủ còn rất lớn.

Khu công nghiệp này đã đầu tư 3 dự án năng lượng tái tạo, gồm 1 dự án điện gió và 2 dự án điện mặt trời trên mái khu công nghiệp. Trong năm 2023, các dự án này đã tạo ra khoảng gần 6.000 MWh điện, hoàn toàn tiêu thụ nội bộ.

Doanh nghiệp chủ động đảm bảo điện cho sản xuất - Ảnh 1.

Để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, các doanh nghiệp và khu công nghiệp đã chủ động lên các giải pháp từ nguồn năng lượng xanh. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, hiện tại điện mặt trời áp mái chỉ được tự sản, tự tiêu. Doanh nghiệp và khu công nghiệp không được bán điện trực tiếp hoặc thông qua lưới điện của EVN cho các doanh nghiệp trong cùng khu do chưa có quy định này. Do đó để khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy.

PGS.TS Nguyễn Đức Tuyên - Trưởng phòng PIN Nghiên cứu hệ thống điện và Năng lượng tái tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: "Về mặt kĩ thuật, chính sách về mặt tài chính chúng ta phải có quy định, phải có hành lang pháp lý thông thoáng và cũng chặt chẽ để đảm bảo doanh nghiệp vừa phát triển vừa chủ động được nhưng cũng không ảnh hưởng chung về vận hành lưới điện quốc gia".

Theo VCCI, các khu công nghiệp tại Việt Nam tiêu thụ khoảng 15% tổng sản lượng điện của cả nước. Thúc đẩy năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời áp mái là giải pháp không chỉ làm giảm tải cho lưới điện quốc gia, mà còn giúp doanh nghiệp thêm chứng chỉ xanh trong sản phẩm, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh trong 5 tháng qua đạt kết quả tích cực, kéo theo nhu cầu điện năng tăng cao, lúc cao điểm ở miền Bắc tăng tới 17% so với cùng kỳ. Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải dự báo sát tình hình, chuẩn bị phương án cao nhất, sẵn sàng với khả năng xấu nhất có thể xảy ra để bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, nhất là trong tháng 6 - tháng cao điểm, dứt khoát không được để thiếu điện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước