Doanh nghiệp nỗ lực "giữ chân" người lao động

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 11/08/2020 06:09 GMT+7

VTV.vn - Bằng mọi cách, nhiều doanh nghiệp cố hết sức duy trì việc làm cho lao động bởi với họ đó chính là tài sản rất lớn của doanh nghiệp.

Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm 525.000 đồng so với quý trước và 279.000 đồng so với cùng kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên thu nhập bình quân giảm trong 5 năm qua.

Lao động thất nghiệp gia tăng

Doanh nghiệp nỗ lực giữ chân người lao động - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp cố hết sức duy trì việc làm cho lao động. Ảnh minh họa.

Công ty không có đơn hàng, anh Sơn (Hải Dương) chỉ đi làm 2 ngày/tuần. Thu nhập củ anh đã giảm một nửa. Gắn bó với công ty hơn 5 năm, nhưng nếu tình trạng này vẫn kéo dài, anh không biết mình có thể ở lại đến bao giờ khi vợ anh đang mang thai đứa con đầu tiên. Mặc dù vậy, như gia đình anh Sơn vẫn còn may mắn vì còn được đi làm.

Còn chị Yến (TP Hải Phòng) đã bị công ty cho thôi việc từ hơn 1 tháng nay. Chị đành mở tạm hàng nước ở đầu nhà để sống qua ngày. Thu nhập từ quán nước ngày có ngày không vì nắng nóng. Tiền tiết kiệm của gia đình đã dần cạn. Chị hy vọng có thể quay lại làm công nhân, tuy vất vả nhưng ít nhất còn có đồng ra đồng vào. Nhưng tìm được việc làm lúc này không đơn giản.

Một lao động mất việc có thể kéo theo cả gia đình họ lâm vào túng quẫn nhưng, phần lớn lao động vẫn ở lại đô thị tìm cơ hội, không ai muốn về nơi họ từng ra đi vào lúc này.

Còn đi làm là còn yên tâm

Doanh nghiệp nỗ lực giữ chân người lao động - Ảnh 2.

Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19. Ảnh minh họa.

Dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất chờ dịch đi qua. Các đơn hàng giảm dần đồng nghĩa việc làm ngày càng ít.

Cầm cự và cầm cự, phần lớn doanh nghiệp gia công dệt may, da giày đã đến ngưỡng không thể chịu nổi khi sức ép việc làm cho hàng triệu lao động ngày càng lớn. Bằng mọi cách, nhiều doanh nghiệp cố hết sức duy trì việc làm cho lao động bởi với họ đó chính là tài sản rất lớn của doanh nghiệp.

Các chuyên gia lao động đều có chung một nhận định đó là vào lúc này, có việc làm còn quan trọng hơn tiền lương.

Bộ LĐ-TB&XH dự báo nếu không có các giải pháp hiệu quả, thời gian tới thất nghiệp chính thức sẽ diễn ra ở các doanh nghiệp FDI và tập đoàn lớn. Giữ và tạo việc làm thời điểm này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ ổn định sản xuất, khôi phục kinh tế các đô thị, mà còn đảm bảo an sinh cho hàng triệu lao động và gia đình họ. Vì thế, muốn giữ việc làm cần có những hỗ trợ thực chất hơn với doanh nghiệp để họ có thể gồng gánh vượt qua những khó khăn hiện nay.

Chương trình Vấn đề hôm nay ngày 10/8 với sự tham gia của ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đã có những phân tích cụ thể về tình hình việc làm của lao động tại các doanh nghiệp hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước