Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp thủy sản gặp khó không phải do yếu tố cạnh tranh quá gay gắt, mà bởi những quy định quản lý đặt ra còn khắt khe hơn cả thị trường châu Âu. Đó là quy định về giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản phẩm thực phẩm.
Công văn mới đây của Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) dẫn lại tiêu chuẩn từ Ủy ban châu Âu EC và đặt ra câu hỏi ngược lại: Tại sao những lô hàng dù đã đạt chuẩn EU lại không đạt theo quy định Việt Nam?
Theo đó, từ cuối tháng 8, VASEP đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan từ Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, đến nay, khi gần hết tháng 9 - tháng được cho là quan trọng nhất để chốt đơn hàng dịp Tết, VASEP cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi.
Một bài báo trên tờ Đầu tư hơn 1 năm trước có đề cập tới một kiến nghị của doanh nghiệp thủy sản về Nghị định 09 ban hành 1 năm trước đó, liên quan tới việc tăng cường muối i ốt trong sản xuất thực phẩm.
Theo lý giải của VASEP, quy định này thiếu thực tiễn bởi một số sản phẩm nếu có thêm i ốt sẽ gây biến màu, biến mùi, mất khả năng chống oxy hóa và không đảm bảo được chất lượng như công bố do i ốt dễ tương tác với các thành phần khác trong thực phẩm. Chưa kể một số thủy hải sản đã có sẵn i ốt, không cần sử dụng thêm để tránh tăng chi phí sản xuất và tạo ra hàm lượng i ốt cao trong thành phẩm.
Tới tháng 7/2018, gần 3 năm sau khi quy định trên ra đời, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng nêu ra quan điểm tương tự cho rằng yêu cầu về tăng cường i ốt gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành chế biến thực phẩm, trong đó có doanh nghiệp thủy sản.
Rõ ràng, để nâng cao chất lượng, mở rộng thị phần, bản thân doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần cam kết sản xuất đúng tiêu chuẩn và không ngừng nghiên cứu cải tiến sản phẩm. Tuy nhiên, ngược lại khâu chính sách cũng cần rà soát và cắt bỏ những quy định bất hợp lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!