Đây là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị thông tin chuyên đề: "Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tư do: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam" diễn ra sáng 13/5 tại Hà Nội.
Tính đến tháng 4/2015, tỉ lệ thực thi Cộng đồng kinh tế ASEAN đã đạt những kết quả đáng ghi nhận với 99,2% số dòng thuế của các nước ASEAN 6 đã được xóa bỏ thuế nhập khẩu; phê chuẩn tiến hành thực thi Hiệp định Hải quan ASEAN ký năm 2012, xây dựng cơ chế hải quan một cửa ASEAN... đã tạo thông thoáng môi trường kinh doanh và thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý trong ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu chuyên đề, xuất khẩu và GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tương ứng 68 tỉ USD và 36 tỉ USD vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Kể từ khi gia nhập quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa đến nay, Việt Nam đã có những bước đi chủ động từ tổ chức thực hiện, xây dựng thể chế đến thực thi cam kết.
Tuy nhiên, sẽ là một thách thức về khả năng thực thi tất cả các biện pháp AEC vào cuối năm 2015, đó là khả năng nhiều biện pháp không thể hoàn tất đúng thời hạn do hạn chế về nguồn lực, nhất là khó khăn trong thay đổi cơ chế chính sách của nhiều quốc gia. Riêng với Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, các cơ chế chính sách cơ bản đang phát huy tác dụng, nhưng các động lực phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế dường như cũng đang tới hạn.
Nhằm khẩn trương tìm ra giải pháp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nhất là khối DNNN khi hội nhập kinh tế quốc tế, cũng trong sáng nay, đã diễn ra lễ phát động cuộc vận động hiến kế đổi mới cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển doanh nghiệp và kinh tế đất nước, bao gồm hiến kế đổi mới cơ chế chính sách vĩ mô, chính sách giải pháp nội bộ DN, công tác xây dựng Đảng trong DN từ nay đến trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.