Người nuôi tôm dè dặt trước vụ sản xuất mới
Những tháng đầu năm, tiến độ thả nuôi tôm nước lợ khu vực ĐBSCL diễn ra khá chậm do độ mặn trên sông ở một số địa phương còn thấp.
Đến nay, khi độ mặn đã ở ngưỡng phù hợp, tình hình thả nuôi vẫn không khả quan hơn khi giá tôm thương phẩm liên tục lao dốc. Đây được xem là tình cảnh éo le đặt ra nhiều thách thức đối với ngành hàng tỷ đô này.
Long An thả nuôi được hơn 1.400 ha tôm, con số chưa như kỳ vọng. Một phần do giá tôm nguyên liệu khá thấp, ở mức 60.000 đồng loại 100 con/kg. Một phần do thời tiết, môi trường và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, 70 ha đã bị thiệt hại.
"Giờ nuôi cầm chừng, bởi nghề mình phải làm, chứ không biết tôm lên xuống lúc nào, chứ giá như hiện tại thì chỉ hòa hoặc lỗ, chứ không lời", ông Trần Văn Chín, xã Phước Vĩnh Đông, Cần Giuộc, Long An, chia sẻ.
Ở những địa phương có nghề nuôi tôm phát triển mạnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, tình hình cũng không mấy khả quan. Chuyện giá tôm tăng giảm không mới, nhưng duy trì ở mức thấp suốt nhiều tháng qua lại là chuyện hiếm thấy với ông Khải, Giám đốc HTX Chiến Thắng, Sóc Trăng. Đó cũng là lý do nhiều hộ trong hợp tác xã (HTX) vẫn e dè trước vụ sản xuất mới.
Ao nuôi tôm công nghệ cao đảm bảo môi trường sống tốt cho tôm. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Thả thăm dò 1 - 2 ao để chờ giá, không được như hàng năm. Diện tích của hợp tác xã là 25 ha, hiện nay mới thả được khoảng 15 ha", ông Võ Văn Khải, Giám đốc HTX Chiến Thắng, Sóc Trăng, cho biết.
Riêng những hộ đang còn tôm càng thận trọng hơn.
"Người hiện có tôm trong ao xác định nuôi nuôi size 30 - 40 con. Nếu nuôi 60 - 70 con thời điểm này thì hòa hoặc lỗ ít hơn, nếu đưa về size lớn thì có thể lỗ nhiều hơn", ông Tạ Hoàng Nhiệm, Giám đốc HTX Tôm công nghệ cao Đông Hải, Bạc Liêu, cho hay.
"Khuyến cáo đến bà con các mô hình phù hợp với từng vùng nuôi, đặc biệt ở giai đoạn này nên thả nuôi với mật độ phù hợp, áp dụng các quy trình phù hợp để hạn chế thấp nhất chi phí làm sao giảm giá thành", ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, thông tin.
Đánh liều thả nuôi, những nông dân như ông Chín phải chuẩn bị thật kỹ để giảm hao hụt. Tuy nhiên, chi phí vẫn đang tăng từng ngày, tạo thêm gánh nặng cho bà con.
Xuất khẩu tôm đứng trước nhiều cơ hội
Sau thời gian đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại.
Bên cạnh đó, các hợp đồng với giá trị lớn cũng được ký kết, chủ yếu từ các nhà nhập khẩu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, có 3 yếu tố tích cực tác động đến xuất khẩu tôm: Một là hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu giảm do lạm phát hạ nhiệt; Hai là nhu cầu đặt hàng tăng nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm và cuối cùng là nguồn cung ổn định khi các nước như Ecuador, Malaysia… kết thúc thu hoạch tôm chính vụ.
Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, khả năng cung ứng ổn định của doanh nghiệp, VASEP dự báo, tuy không đạt kim ngạch như năm trước, nhưng xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt trên 3 tỷ USD, về bằng mức trước dịch.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Duy trì sản xuất chờ thị trường hồi phục
Yếu tố tích cực đã có, nhưng chủ động vẫn được xem là giải pháp hiệu quả nhất trong lúc này, từ doanh nghiệp cho đến người nuôi, bởi chỉ có chủ động, mới có thể duy trì sản xuất chờ thị trường hồi phục.
"Doanh nghiệp áp dụng nhiều giải pháp để tồn tại, như cắt giảm chi phí không cần thiết, sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả cũng như tăng năng suất lao động", ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết.
Đó là với doanh nghiệp, còn nông dân lại có cách khác để duy trì sản xuất. Tôm ở ao đạt 27 con/kg và đang được tiếp tục nuôi về size lớn để chờ giá.
"Trong giai đoạn hiện nay, sử dụng thuốc ít, tập trung vấn đề nước, nước phải thay liên tục, có thể ngày thay 2 lần vì thức ăn nhiều", ông Tạ Hoàng Nhiệm, Giám đốc HTX Tôm công nghệ cao Đông Hải, Bạc Liêu, chia sẻ.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng để vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay, người nuôi cần kéo tôm về size lớn và giảm tối đa giá thành.
Giải pháp chủ động đã có, nhưng căn cơ vẫn là tháo gỡ khó khăn hiện tại. Chính vì vậy, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ ban hành sẽ là trợ lực cho ngành hàng này.
"Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn đó thì bà con đầu tư nuôi lại vụ mới để đón giá thị trường cuối năm", anh Tạ Văn Hùng, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, Sóc Trăng.
"Mong rằng gói tín dụng 15.000 tỷ sớm được người dân tiếp cận và được triển khai một cách hiệu quả", ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nói.
"Các hộ nuôi, các HTX liên quan đến tài sản đảm bảo, công cụ đánh giá rủi ro của ngân hàng thì bớt đi thì họ mới có thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhận định.
Theo các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, Việt Nam vẫn còn lợi thế về hàng giá trị gia tăng với sức tiêu thụ khá tốt, cùng với đó là thực hiện tốt giải pháp về hạ giá thành, áp dụng khoa học công nghệ. Có như vậy, những mắc xích quan trọng của cả ngành hàng mới có thể trụ lại và chờ thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!